Lại rầm rộ phá rừng Tây Nguyên: Chi tiền tỉ bảo vệ, rừng vẫn mất  

Nhiều diện tích rừng ở Gia Lai, Kon Tum lần lượt bị tàn phá mặc địa phương thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ. Bên cạnh đó, việc phát hiện, xử lý thủ phạm phá rừng rất hạn chế.

Rừng đặc dụng Đắk Uy, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum có diện tích khoảng 540 ha. Khu rừng này có rất nhiều cây trắc lớn quý hiếm nhưng lại nằm sát Quốc lộ 14 nên trở thành miếng mồi ngon cho lâm tặc.

9 ngày 5 vụ vi phạm

Để bảo vệ, UBND tỉnh Kon Tum đã đầu tư 25,8 tỉ đồng xây dựng nhiều hạng mục như hàng rào gạch cao khoảng 2 m, dài hơn 8,4 km, phía trên được trang bị dây thép gai; hàng rào thép gai chiều dài hơn 5 km; trạm quản lý bảo vệ rừng chính; chòi canh lửa… Nhưng bất chấp sự bảo vệ nghiêm ngặt này, thời gian qua khu rừng liên tục chịu sự tấn công dữ dội từ lâm tặc.

Ngày 9-11, trong quá trình tuần tra tại lô 5, khoảnh 3, Tiểu khu 342A, ông A Soát, nhân viên Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Đắk Uy, phát hiện 1 cây gỗ trắc bị khai thác trái phép. Tại hiện trường, cây gỗ có đường kính mặt cắt gốc lên tới 29 cm đã bị lâm tặc lấy đi mất phần thân.

Cây gỗ lớn bị cắt hạ tại huyện Kbang (Ảnh: Hoàng Thanh)

Cũng tại Tiểu khu 342A, ngày 6-11, ông A Ngoai, nhân viên quản lý bảo vệ rừng, phát hiện tại lô 10, khoảnh 3, có một cây gỗ trắc đường kính gốc 25 cm bị khai thác trái phép, một phần thân cây gỗ quý đã bị lấy đi. Theo Ban Quản lý (BQL) rừng đặc dụng Đắk Uy, vào thời điểm xảy ra vụ việc có mưa kéo dài, các nhân viên bảo vệ rừng đang sinh hoạt cá nhân nên lâm tặc lợi dụng vào khai thác.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, từ đầu năm đến hết tháng 11, tại rừng đặc dụng Đắk Uy xảy ra 23 vụ vi phạm. Chỉ riêng từ ngày 30-10 đến 9-11 đã xảy ra 5 vụ cây gỗ trắc bị khai thác trái phép. Trước diễn biến phức tạp trên, trong nhiều tháng, chi cục đã cử tổ công tác gồm 22 thành viên để tăng cường, hỗ trợ cho BQL rừng đặc dụng Đắk Uy. Đến ngày 30-10, thấy tình hình cơ bản đã dịu, hơn nữa vào đầu mùa khô phải chuẩn bị công tác phòng cháy chữa cháy nên cơ quan này rút lực lượng về và để lại 7 cán bộ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Liêm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, ngày 30-10, sau khi lực lượng rút thì lại có dấu hiệu “lâm tặc” vào phá rừng. “Sau đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chỉ đạo chi cục tiếp tục hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng Đắk Uy” – ông Liêm nói và cho biết sau đó đã cử 2 tổ công tác 16 người túc trực để bảo vệ rừng nên 2 tuần qua thấy không còn ăn trộm nữa.

“Để xảy ra mất rừng, trách nhiệm chính là của BQL rừng đặc dụng Đắk Uy. Khâu tổ chức của BQL không tốt nhưng không tốt như thế nào phải chờ kết luận thanh tra toàn diện của Sở NN-PTNT” – ông Liêm nói. Theo tìm hiểu của phóng viên, việc thanh tra được thực hiện trong 45 ngày, hiện vẫn trong thời gian thanh tra.

Khó bắt thủ phạm?

Tại tỉnh Gia Lai, thời gian qua cũng liên tục xảy ra các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Tuy nhiên, số vụ vi phạm được phát hiện, xử lý đến nơi đến chốn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ngày 30-11, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT, UBND huyện Kbang về việc kiểm tra thông tin phá rừng ở huyện Kbang mà báo chí phản ánh. Trong số này, có một cây gỗ hàng trăm tuổi bị đốn hạ chỉ cách chốt bảo vệ rừng Sơ Pai (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai) khoảng 1,5 km nhưng không được phát hiện, ngăn chặn.

Trước đó, ngày 27-11, tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 do Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức cũng công bố 2/4 vụ tham nhũng liên quan đến các BQL rừng. Cụ thể, tại BQL Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, đã phát hiện sai phạm hơn 1,3 tỉ đồng và 84 ha đất; BQL Rừng phòng hộ Bắc An Khê và BQL Rừng phòng hộ Ya Hội đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, để xảy ra mất rừng với diện tích lớn trong thời gian dài.

Dù được đầu tư hàng chục tỉ đồng xây tường rào (ảnh lớn) nhưng gỗ trắc quý hiếm trong rừng đặc dụng Đắk Uy vẫn bị lâm tặc chặt hạ (ảnh nhỏ). Ảnh: Hoàng Thanh

Theo ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, vừa qua tại huyện Kbang xảy ra mất rừng nhưng khi cơ quan công an huyện vào điều tra thì không xác định, phát hiện được thủ phạm. Tương tự năm 2016, tại huyện Ia Grai xảy vụ bắt giữ 5 xe chở gần 70 m3 gỗ lậu nhưng không điều tra ra được. “Các vụ án hình sự, giết người với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi nhưng điều tra rất nhanh chóng. Trong khi đó, những vụ việc như trên không điều tra ra được thì hơi khó hiểu, phải đặt vấn đề do trình độ năng lực hay do gì? ” – ông Trang nhấn mạnh.

Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm

Tháng 4-2017, ông KpăThuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ký văn bản gửi các đơn vị chủ rừng, UBND huyện, thị xã và thành phố cùng các sở, ban ngành thuộc tỉnh, trong đó nêu rõ: Thủ trưởng đơn vị chủ rừng chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và pháp luật nếu để xảy ra tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần được giao; chính quyền nơi nào để xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng, khai thác, lấn chiếm rừng, giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trái pháp luật, thuộc phạm vi, quyền hạn của mình mà không xử lý kịp thời thì chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Kỳ cuối: Nhẹ tay xử lý cán bộ để mất rừng