Miền Trung dồn lực khắc phục hậu quả lũ lụt

Trong ngày 26-11, tại Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi mưa đã ngớt, nhưng nước ở các sông, hồ chứa vẫn còn ở mức cao. Các địa phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp giúp bà con dọn dẹp sau lũ, ổn định cuộc sống.

Trong ngày 26-11, tại vùng “rốn lũ” Tuy Phước (Bình Định), nước đã bắt đầu rút dần. Tại 3 xã Phước Hòa, Phước Thắng (huyện Tuy Phước) và xã Cát Chánh (huyện Phù Cát), nước lũ vẫn còn chia cắt nhiều vùng dân cư, tuyến tỉnh lộ ĐT640 về các xã trên vẫn còn ngập sâu từ 0,4 – 0,7m, tuyến tỉnh lộ 636B về các xã Khu Đông Tuy Phước và Phù Cát còn ngập sâu 0,7m.

Ban giám hiệu các trường ở một số địa phương đã huy động phụ huynh, giáo viên dùng máy bơm rửa bùn non dọn vệ sinh, kê lại bàn ghế phòng học, để sáng hôm nay 27-11 học sinh kịp đến trường khi lũ rút hẳn.

Người dân vùng “rốn lũ” Quảng Ngãi dọn bùn non, khắc phục đường sá để ổn định cuộc   sống. Ảnh: Nguyễn Trang

Trở lại “rốn lũ” Sơn Nham, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), sáng 26-11, nước lũ vẫn còn ngập sâu, khiến các chuyến xe vận chuyển hàng cứu trợ từ huyện Sơn Tịnh lên xã Sơn Nham không thể thực hiện được.

Còn ở Phú Yên, mưa lũ “dồn” về 2 huyện Đồng Xuân, Tuy An, được xem là vùng “rốn lũ” vì 2 huyện này nằm bên sông Kỳ Lộ.

Tại huyện Đồng Xuân, trên 10 tuyến đường huyện bị sạt lở với tổng chiều dài khoảng 52km, tập trung tại các xã Xuân Quang 1, Phú Mỡ, Xuân Lãnh.

Ngoài ra trên 600ha hoa màu bị ngập úng ở vùng trũng thấp dọc sông Kỳ Lộ và Sông Cô. Sau lũ, nhiều diện tích trồng cỏ tây lai, cỏ voi bị hư hại nên nguồn thức ăn cho bò khan hiếm.

Trong khi đó, tại Thừa Thiên – Huế, lũ chỉ còn xấp xỉ mức báo động 1 tạo điều kiện cho chính quyền và người dân nơi đây nhanh chóng khắc phục hậu quả.

Hiện công tác vệ sinh môi trường, dọn dẹp lớp bùn non và rác thải sau lũ tại trường học ở các huyện vùng trũng như Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang được ưu tiên hàng đầu để đón học sinh quay lại trường.

Tiềm ẩn nguy cơ sạt lở

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện An Lão (Bình Định), lũ dồn dập những ngày qua khiến người dân ở huyện An Lão chưa thể ổn định đời sống.

Hiện toàn huyện có khoảng 57ha ruộng lúa, 1.000m kênh mương bị sa bồi thủy phá; 10 tấn lúa giống của người dân bị lũ cuốn trôi, hư hại; trên 1.000 gia súc, gia cầm chết.

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, tính đến ngày 26-11, tình hình mưa lũ do ảnh hưởng của không khí lạnh tại các tỉnh miền Trung đã làm 7 người chết (Thừa Thiên – Huế: 3 người, Quảng Ngãi: 1 người, Bình Định: 1 người, Phú Yên: 2 người) và làm 1 người vẫn còn mất tích (tại tỉnh Quảng Ngãi).

Tổng thiệt hại toàn ngành nông nghiệp huyện An Lão ước tính trên 14 tỷ đồng. “Trước tình hình trên, huyện phải trích ra 1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng để giải quyết thiệt hại.

Những hư hại lớn ở cầu An Liên, các điểm sạt lở núi ở đường trung tâm xã An Nghĩa thì ngân sách của huyện hiện không còn để khắc phục, huyện đang chờ ý kiến của tỉnh”, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết.

Ông Huỳnh Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho hay, mưa lũ những ngày qua đã khiến 4 hộ dân nằm trong vùng sạt lở núi ở thị trấn Ba Tơ, phải di dời khẩn cấp.

Trên địa bàn huyện còn nhiều điểm có nguy cơ sạt lở khác như xã Ba Dinh (có 9 hộ nằm trong vùng nguy hiểm), xã Ba Trang (có 10 hộ với 36 nhân khẩu nằm sát núi đã bị nứt).

Các tuyến đường từ xã Ba Bích đi Ba Nam, tuyến từ xã Ba Dinh đi Ba Giang, tuyến từ xã Ba Thành đi Ba Điền đang bị sạt lở nghiêm trọng…

Tại huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, đến sáng 26-11, vùng biển đảo Lý Sơn vẫn còn biển động mạnh, sóng lớn, các tàu chở hành khách, hàng hóa từ đảo về đất liền và ngược lại tiếp tục tê liệt.

Dự báo trong vài ngày tới, vùng biển Quảng Ngãi vẫn còn gió Đông – Bắc mạnh cấp 6, 7; giật cấp 8 kèm theo mưa to nên đảo Lý Sơn sẽ còn bị cô lập với đất liền.

Ngày 26-11, Hội Chữ thập đỏ Singapore tổ chức cứu trợ cho người dân huyện Quảng Điền bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua. Theo đó, trao 232 thùng dụng cụ gia đình (gồm chăn màn, xoong nồi, thùng đựng nước) cho 112 hộ gia đình xã Quảng Thành và 120 hộ gia đình xã Quảng Phước.

Ngoài ra, đoàn còn trao các suất tiền mặt (500.000 đồng/suất) cho 18 hộ gia đình xã Quảng Thành. Tổng giá trị đợt cứu trợ này là hơn 120 triệu đồng.

Cùng ngày, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định phối hợp với Tổ chức cứu trợ quốc tế Samaritan’s Purse (Hoa Kỳ) tổ chức trao hàng cứu trợ bao gồm: 330 cuộn bạt, 400 tấm bạt, 2.000 bộ dụng cụ nhà bếp, 400 bình đựng nước, 400 bộ vệ sinh cá nhân, 400 hộp kem đánh răng, 550 chiếc mền, 200 chiếc mùng cho 2.185 hộ dân ở huyện Hoài Ân và huyện Phù Cát (Bình Định).