Tiếp theo Nepal, Pakistan hủy hợp tác xây đập thủy điện với Trung Quốc

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin Pakistan đã quyết định hủy thỏa thuận hợp tác xây đập thủy điện Diamer-Bhasha trị giá 14 tỉ USD với Trung Quốc, do không thể chấp nhận những điều khoản quá khắc nghiệt mà phía Bắc Kinh đưa ra.

Pakistan quyết định tự chi tiền xây đập thủy điện Diamer-Bhasha – Ảnh: Daily Pakistan

Tờ Express Tribune dẫn lời ông Muzammil Hussain, Chủ tịch Cơ quan phát triển Điện và Nước Pakistan, cho hay: “Quyết định loại bỏ dự án đập Diamer – Bhasha khỏi khuôn khổ Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) là vì những điều khoản khắc nghiệt của Trung Quốc trong việc tài trợ dự án là không thể chấp nhận được và đi ngược lại những lợi ích của chúng tôi”.

Theo SCMP, điều khoản “khắc nghiệt” nêu trên bao gồm những điều khoản cho phép phía Trung Quốc có quyền sở hữu dự án, chấp nhận trả cả chi phí vận hành và bảo trì đập cũng như được ưu tiên xây dựng các đập khác.

Sau khi hủy hợp tác, Pakistan vẫn sẽ tiếp tục thực hiện dự án xây đập thủy điện cung cấp 4.500 megawatts này, nhưng nước này sẽ tự bỏ vốn, SCMP cho biết.

Quyết định của chính phủ Pakistan được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Nepal cũng hủy thỏa thuận xây nhà máy thủy điện trị giá 2,5 tỉ USD mà một tập đòan nhà nước Trung Quốc trúng thầu. Cả hai dự án đều là một phần trong sáng kiến Một vành đai, Một con đường của Bắc Kinh.

Bất chấp quan hệ hai nước rất tốt, Pakistan không thể chấp nhận những điều khoản “khắc nghiệt” của Trung Quốc trong dự án đập Diamer-Bhasha ­- Ảnh: SCMP

Theo SCMP, tuy các nước Nam Á như Pakistan và Nepal rất cần và hoan nghênh Trung Quốc đầu tư vào để cải thiện cơ sở hạ tầng, tuy nhiên động thái cả hai nước gần như cùng lúc hủy thỏa thuận hợp tác là dấu hiệu nhắc nhở Bắc Kinh phải cẩn trọng hơn khi đẩy mạnh đầu tư vào những dự án nhạy cảm như thủy điện.

Ông Tôn Sĩ Hải, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – Nam Á của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, đánh giá các dự án thủy điện đặc biệt phức tạp và nhạy cảm. Các yếu tố như tác động môi trường, tái định cư người dân, lợi ích của khu vực thượng lưu và hạ lưu, đặc biệt đối với các dòng sông chảy qua nhiều nước đều có thể ảnh hưởng tới dự án. Theo ông Tôn, ví dụ rõ ràng nhất cho tính phức tạp này chính là việc dự án đập Myitsone ở Myanmar do nhà thầu Trung Quốc phụ trách xây dựng đã bị đình chỉ vì những lo ngại về môi trường.

Với dự án đập Diamer – Bhasha, do dự án này nằm trong khuôn khổ CPEC (trước khi bị Pakistan loại ra) nên Trung Quốc khi hợp tác với Pakistan xây dựng đập này phải tính đến nhiều yếu tố phức tạp hơn, trong đó có sự phản đối từ phía Ấn Độ, nước luôn chỉ trích CPEC vì sáng kiến này có nhiều dự án xây dựng trong khu vực còn đang tranh chấp.

Theo ông Triệu Can Thành, chuyên gia về Nam Á thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Thượng Hải, CPEC với số vốn đầu tư 46 tỉ USD được triển khai rất tốt khi một vài dự án lớn đang được tiến hành, và việc loại bỏ một vài dự án cá biệt (như dự án đập Diamer-Bhasha) sẽ không phải là vấn đề lớn đối với Một vành đai, Một con đường.

Chuyên gia Triệu cho biết: “Sẽ không là bất ngờ lớn nếu những vấn đề tương tự xảy ra với các dự án của Trung Quốc trong tương lai. Những vấn đề này sẽ không làm thay đổi bức tranh toàn cảnh”.

“Trên quốc tế đang tồn tại một cách hiểu phổ biến rằng Một vành đai, Một con đường là sáng kiến mà Bắc Kinh phải xúc tiến bằng mọi giá. Nhưng trên thực tế, mọi dự án đều mang tính thương mại, vì vậy chúng phải hợp lý về mặt kinh tế và dựa trên sự thống nhất chung”, ông Triệu cho hay.