Xin phá rừng làm thủy lợi

Dù Thủ tướng Chính phủ đã có lệnh đóng cửa rừng nhưng các ngành chức năng tỉnh Gia Lai cho rằng xin chuyển đổi rừng vì không còn giải pháp nào khác để hoàn thành dự án

UBND tỉnh Gia Lai vừa có công văn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) và Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi 91 ha rừng tại 10 tiểu khu của huyện Chư Prông của tỉnh này để thực hiện giai đoạn 2 của dự án thủy lợi Ia Mơr.

Công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) được đầu tư xây dựng từ năm 2005 nhằm phục vụ nước tưới cho khoảng 12.500 ha cây trồng tại 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, cung cấp nước sinh hoạt cho 50.000 người dân sinh sống tại một số xã dọc biên giới thuộc huyện Chư Prông. Tổng nguồn vốn phê duyệt xây dựng công trình vào năm 2005 là trên 1.200 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2010. Hiện công trình đã hoàn thành giai đoạn 1 và tích nước.

Để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2, Ban Quản lý Đầu tư – Xây dựng Thủy lợi 8 (gọi tắt là Ban 8, Bộ NN-PTNT), chủ đầu tư dự án, đề xuất UBND tỉnh Gia Lai xin Chính phủ, Bộ NN-PTNN cho phép chuyển đổi 133,5 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 91 ha rừng. Ông Từ Ngọc Thông, Phó Chủ tịch huyện Chư Prông, cho biết diện tích chuyển đổi để thực hiện hệ thống tuyến kênh chính, kênh bơm… Các tuyến kênh được dự tính là thi công nối qua huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk).

Công trình thủy lợi Ia Mơr hoàn thành giai đoạn 1 và đang xin chuyển đổi 91 ha rừng để thực hiện giai đoạn 2 (Ảnh: Hoàng Thanh)

Tại khu vực rừng đang được xin chuyển đổi, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận đây đều là rừng khộp tự nhiên, bạt ngàn xanh tươi với các loại cây có đường kính trên dưới 20 cm. Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, cho biết huyện chỉ làm hợp đồng đền bù, giải phóng mặt bằng, sau đó giao lại cho Ban 8. Ban 8 đầu tư bao nhiêu, thi công đến đâu, tiến độ đến đâu không nghe báo cáo.

Ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, nói diện tích bị chuyển đổi là rừng nghèo, không còn biện pháp nào khả thi hơn để tiếp tục triển khai dự án. Ông Nguyễn Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, nhìn nhận: “Công trình đầu tư hàng ngàn tỉ đồng thì không thể dừng lại”. Ông Nguyễn Anh Dũng đặt vấn đề có thể điều chỉnh thiết kế, cắt bớt một số hạng mục. Ví dụ, không phải là hạng mục chính thì không thể đánh đổi 50 ha rừng để phục vụ khoảng 100 ha lúa.

Trả lời về việc vì sao đã có lệnh đóng cửa rừng tự nhiên mà tỉnh vẫn xin chuyển đổi diện tích lớn rừng, ông Kpah Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nói: “91 ha rừng mới xin chuyển đổi nằm trong dự án, trước đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rồi”.

Chưa trồng rừng thay thế

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, hiện những dự án có vốn nhà nước vẫn chưa có kinh phí để thực hiện trồng thay thế với trên 3.400 ha. Trong đó, có các dự án lớn như hồ chứa nước thủy lợi Ia Mơr với 1.000 ha. Hiện các dự án này vẫn đang chờ kinh phí từ trung ương để trồng rừng thay thế.