Nghị định về đất ngập nước: Nâng cao năng lực bảo tồn

Bộ TN&MT đang xây dựng dự thảo Nghị định về bảo tồn đất ngập nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về vấn đề này.

Hệ sinh thái đất ngập nước Vườn Quốc gia Xuân Thủy nơi lưu giữ nhiều giá trị đa dạng sinh học

Thiếu đồng bộ

Việt Nam có khoảng hơn 12 triệu ha đất ngập nước (ĐNN) phân bố rộng khắp các vùng sinh thái, trong đó, nhiều vùng ĐNN được xác định có giá trị bảo tồn cao (nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên và nhiều khu đã công nhận là khu Ramsar), cung cấp các dịch vụ sinh thái thiết yếu cho phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Mặt khác, Việt Nam là thành viên thứ 50 của Công ước Ramsar về các vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế (năm 1989). Những giá trị cốt lõi của hệ sinh thái mang lại rất lớn, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và thịnh vượng của loài người nhờ các chức năng: Nạp, tiết nước ngầm; lắng đọng trầm tích, độc tố; tích lũy chất dinh dưỡng; điều hòa vi khí hậu; hạn chế lũ lụt; sản xuất sinh khối; duy trì đa dạng sinh học; chắn sóng, gió bão và ổn định bờ biển, chống xói lở, hạn chế sóng thần… Tuy vậy, theo đánh giá của nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên hiện còn thiếu các quy định, pháp luật về quản lý, bảo tồn, sử dụng khôn khéo và phát triển bền vững ĐNN; thiếu những quy định cụ thể và rõ ràng về hệ thống quản lý Nhà nước; thiếu sự thống nhất về cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ban ngành, địa phương trong các hoạt động liên quan đến ĐNN và thiếu các chế tài để thi hành. Những quy định điều chỉnh trực tiếp hoạt động quản lý và bảo tồn ĐNN chủ yếu do Bộ và các địa phương ban hành, còn thiếu các văn bản mang tính pháp lý cao như Nghị định của Chính phủ. Hiện nay, mới chỉ có Nghị định 109/2003/NĐ-CP của Chính phủ ban hành là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất liên quan trực tiếp đến phân công trách nhiệm quản lý ĐNN.

Tuy vậy, ngay cả Nghị định 109/2003/NĐ-CP cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Điển hình là việc thiếu quy hoạch tổng thể ĐNN, các quy hoạch cụ thể không phù hợp với điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế của từng vùng. Điều này dẫn tới hệ lụy khi gây ra nhiều xung đột môi trường trong quản lý ĐNN, làm suy giảm tài nguyên thiên nhiên. Các quy hoạch quản lý lãnh thổ, giao thông, thủy điện… gây ra những trở ngại không nhỏ trong việc quản lý ĐNN. Đồng thời, Nghị định này chưa xác định cụ thể mục tiêu bảo tồn, các vùng ĐNN có giá trị cao vẫn chưa được quản lý, bảo tồn mới chỉ dừng lại ở mức quy hoạch, thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên. Các chế tài xử phạt với việc xâm hại khu vực ĐNN chưa đủ tính răn đe dẫn tới việc nhiều khu vực có giá trị sinh học cao bị xâm hại…

Đồng thời, theo nhiều chuyên gia, các điều khoản quy định pháp lý có liên quan đến ĐNN phân tán, chồng chéo trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thiếu cụ thể, chưa đảm bảo được tính khoa học và đồng bộ, chưa tính hết các yếu tố kinh tế – xã hội nên rất khó thực thi hoặc thực thi kém hiệu quả. Nhiều thuật ngữ và khái niệm liên quan đến ĐNN đã không được quy định thống nhất và giải thích rõ ràng trong các văn bản pháp luật và chính sách của Việt Nam.

Kỳ vọng chính sách mới

Những hạn chế trong hệ thống chính sách, văn bản về ĐNN đã dẫn tới công tác quản lý ĐNN hiện nay chưa thực sự hiệu quả, lợi ích từ các dịch vụ của hệ sinh thái ĐNN cho cộng đồng chưa được phát huy, tài nguyên ĐNN bị sử dụng, khai thác quá mức và ảnh hưởng việc bảo tồn các chức năng, giá trị lâu bền của ĐNN. Các nguyên nhân trên cùng với áp lực của các hoạt động phát triển và tự nhiên (biến đổi khí hậu) đã gây ra sự suy giảm đa dạng sinh học và đe dọa đến an ninh lương thực, suy giảm giá trị dịch vụ hệ sinh thái của các vùng ĐNN.

Minh chứng cho điều này, bà Trịnh Thị Long, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) cho rằng: Trước đây, ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) con cá đồng trong tự nhiên nhiều vô số kể, nay có phần bị cạn kiệt. Có nhiều nguyên nhân lý giải nhưng không thể phủ nhận tác nhân chính là do yếu tố con người. Hiện nay diện tích ĐNN ở ĐBSCL khoảng 4 triệu ha, nhưng phần lớn diện tích này đã được canh tác nông nghiệp. Các điểm nóng đa dạng sinh học chủ yếu là trong các khu bảo tồn chỉ chiếm chưa đến 10%. Nhiều diện tích rừng ngập mặn bị chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Rừng tràm tự nhiên mất đi thay vào là tràm trồng, dẫn đến rừng bị thu hẹp diện tích. Dải rừng phòng hộ ven biển bị mỏng dần là một trong những yếu tố dẫn đến hệ sinh thái ven biển thay đổi. Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống kênh, đê trong vùng làm hạn chế số lượng cá, phù sa, gây xáo trộn hệ sinh thái đất ngập nước.

Vì vậy, theo Bộ TN&MT, việc xây dựng một Nghị định mới về ĐNN thay thế Nghị định số 109/2003/NĐ-CP là việc làm cần thiết nhằm giải quyết được các vấn đề bất cập hiện nay trong quản lý ĐNN, góp phần kiện toàn văn bản quản lý về ĐNN, nâng cao năng lực bảo tồn, sử dụng tài nguyên ĐNN. Đồng thời, chia sẻ lợi ích của ĐNN trong xã hội để đáp ứng với mục tiêu phát triển bền vững đất nước, thực hiện hiệu quả cam kết quốc tế về bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng ĐNN ở Việt Nam. Điều này cũng góp phần khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị to lớn của đa dạng sinh học.