Dân khổ vì đê “vỡ… theo kế hoạch”

Gần hai tuần sau trận mưa lũ làm sạt lở, lún sụt hệ thống đê bao hữu Bùi 2 (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến), khiến một số xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ (Hà Nội), ngập sâu trong nước, người dân nơi đây vẫn đang oằn mình chống chọi với nước lũ và các vấn đề phát sinh sau lũ…

Khổ vì đê “vỡ… theo kế hoạch”

Vào 6h30 ngày 11.10.2017, đê bao hữu Bùi (đê Bùi 2) trên địa bàn thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, sau khi bị tràn đã xảy ra sự cố xói mái đê và lún sụt khoảng 7m đê bao. Sự việc trên, sau đó được ông Đỗ Đức Thịnh – Chi cục Trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho rằng – đây không phải là vỡ đê, mà được chủ động thực hiện đúng quy trình để an toàn cho đê. Dân nhìn vào thì nghĩ là vỡ đê, nhưng đây là chủ động, “vỡ… theo kế hoạch”.

Chính sự chủ động “vỡ… theo kế hoạch” đó đã làm hàng nghìn hộ dân điêu đứng, khổ sở. Theo ghi nhận thực tế của PV Báo Lao Động, hiện nay vẫn còn hàng trăm hộ gia đình bị ngập nước, chưa thể về nhà, phải “ăn nhờ ở đậu”. Tại xóm Nằng, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến, hàng chục hộ dân vẫn còn ngập sâu trong nước, người dân phải di chuyển đồ đạc, gia súc, gia cầm lên các khu vực cao hơn, mực nước tại các hộ cuối thôn còn ngập sâu từ 1 đến 1,5m. Muốn vào các gia đình này chỉ có cách duy nhất là dùng thuyền đi trên đường bêtông.

Theo ông Nguyễn Đình Thủ – ở xóm Nằng, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến – nước lũ về quá nhanh khiến vợ chồng ông không kịp trở tay, đầm nuôi cá của gia đình ông bị nước tràn về ngập trắng băng, toàn bộ số cá nuôi đã ra đi theo dòng nước. Còn ông Nguyễn Bá Thanh – ở xóm Cốc – thì nghẹn ngào: Chúng tôi vừa mới nhập được ít nguyên liệu về để sản xuất mây tre đan xuất khẩu thì nước lũ tràn về làm hỏng hết. Các sản phẩm thành phẩm cũng bị ướt không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nữa, thiệt hại của gia đình tôi đợt lũ này ước tính cả trăm triệu đồng.

Cũng theo người dân xã Tân Tiến, nước tràn đê thì không phải hiếm, nhưng để ngập sâu như vậy thì đây mới là lần thứ hai (năm 2008 – PV). Gần hai tuần trôi qua mà nước chưa rút hết, cả khu vực vẫn ngập trắng băng, cuộc sống sinh hoạt đời thường của chúng tôi bị đảo lộn hoàn toàn.

Người dân vẫn đang vật lộn với nước lũ. (Ảnh: TN/Lao Động)

Nỗi lo dịch bệnh bùng phát

Nước lũ đang rút dần, trẻ em nơi rốn lũ cũng đã đến trường, nhưng nỗi lo nơi vùng lũ thì vẫn hiển hiện, đó là vệ sinh môi trường, dịch bệnh và các vấn đề an sinh xã hội. Theo bà Nguyễn Thị Tĩnh – ở đội 15 thôn Khúc Bằng, xã Tân Tiến – nước lũ tràn về nhanh, chúng tôi không kịp mua đồ để chứa nước sạch nên việc ăn uống và vệ sinh hằng ngày không được đảm bảo. Tiếp xúc với nước bẩn hằng ngày nên chúng tôi ai cũng cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, chân tay lở loét, một số người có biểu hiện đau mắt nữa.

Là một trong những người chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ, anh Nguyễn X.T, xã Nam Phương Tiến chia sẻ – nhiều gia súc, gia cầm không chạy kịp chạy lũ chết trôi, chết nổi rất mất vệ sinh. Bên cạnh đó, nhà vệ sinh, hố rác, rãnh nước thải, bùn đất ở khắp mọi nơi, ô nhiễm nghiêm trọng, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyên Trung Dũng – Trạm trưởng Trạm y tế xã Tân Tiến cho biết: Trạm y tế đã phối hợp với địa phương hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước bằng Cloramin B và phèn chua. Đồng thời cung cấp đầy đủ nước uống, thuốc đề phòng bệnh da liễu, đau mắt đỏ cho 367 hộ ngập sâu trong nước. Tuy vậy, ông Dũng cũng thừa nhận: Địa phương rất lo lắng về vấn đề phòng chống dịch bệnh sau khi nước rút hết.