Ô nhiễm trở lại, lợi hại hơn xưa

Ô nhiễm không khí đã tồi tệ hơn trước với các thảm họa thiên nhiên xảy ra ngày càng nhiều hơn.

Ô nhiễm không khí ước tính sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu tổn thất khoảng 2.900 tỉ USD mỗi năm.

Sáng thứ Hai ngày 15.3.2021 người dân Bắc Kinh thức dậy chỉ thấy một sắc cam phủ kín bầu trời, chẳng khác gì cảnh tượng trong một bộ phim thuộc thể loại dystopia mô tả một thành phố tương lai hoang tàn, u ám. Sáng hôm đó, sương khói dày đặc đã che phủ cả bầu trời Bắc Kinh. Theo tổ chức theo dõi ô nhiễm World Air Quality Index, PM2.5, loại phân tử bụi đặc biệt nguy hiểm có thể thâm nhập vào mạch máu, đã đạt đỉnh 655 (trên 300 được xem là nguy hiểm) vào những giờ đầu sáng ngày 15.3. PM10, một phân tử bụi lớn hơn có thể vào sâu trong phổi, đã vượt mức tối đa 999…

Người dân Bắc Kinh xưa nay đã quá quen với không khí ô nhiễm, nhưng thứ Hai tuần qua là một trong số những tình huống tồi tệ nhất kể từ năm 2012. Sương khói thường phủ lên bầu trời một màu xám xịt, nhưng sắc cam đỏ bừng hôm thứ Hai tuần qua là do một cơn bão cát, một điều thường thấy vào thời điểm này trong năm, vì ảnh hưởng bởi bụi từ Nội Mông. Cơ quan khí tượng Trung Quốc cho biết đó là cơn bão cát tồi tệ nhất tại Trung Quốc trong thập niên vừa qua.

Không chỉ ở Trung Quốc, các thảm họa do biến đổi khí hậu như hỏa hoạn và bão cát đã khiến cho ô nhiễm không khí trở nên rất tồi tệ ở nhiều nước, đặc biệt tại Thái Lan, Úc, Mỹ. Tại Úc, các đợt cháy rừng từ tháng 6.2019 đến 3.2020 đã gây ra ô nhiễm không khí nặng nhất ở nhiều địa phương của nước này. Hay cháy rừng ở miền bắc Thái Lan vào tháng 4.2020 cũng từng gây ô nhiễm không khí cao gấp 12 lần mức an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Năm qua, nền kinh tế suy giảm do dịch COVID-19 đã giúp chất lượng không khí được cải thiện đáng kể tại hầu hết các nước. Tại Nam Á và Đông Nam Á, nơi chất lượng không khí đã suy giảm nghiêm trọng trong những năm gần đây do tốc độ đô thị hóa, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch quá mức, đốt rẫy…, lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại đã giúp giảm ô nhiễm do sương khói. Theo đó, 84% các quốc gia và 65% các thành phố được theo dõi trong báo cáo World Air Quality Report đã có không khí trong lành hơn trong năm bùng phát dịch COVID-19. Một khu vực có chất lượng không khí cải thiện đáng kể là châu Á, nơi có sương khói nhiều nhất thế giới. Cụ thể, ô nhiễm không khí đã giảm 11% tại Bắc Kinh, 14% ở Tokyo, 15% ở Delhi, 19% ở Hà Nội, 20% ở Jakarta và 39% ở Singapore.

Tuy nhiên, các hoạt động công nghiệp phục hồi sau dịch đã khiến cho guồng quay sản xuất tăng tốc trở lại. Khi nền kinh tế vận động nhanh hơn, ô nhiễm sẽ quay trở lại mức cao trước COVID-19. Điều này đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Ô nhiễm đã tăng lên ở Trung Quốc kể từ khi nước này mở cửa trở lại. Tăng trưởng GDP trong quý IV/2020 đã là 6,5%, nhanh hơn tốc độ trước COVID-19. Tăng trưởng công nghiệp của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021 cũng cao hơn 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Tương ứng với điều đó là khí thải ô nhiễm đã tăng 4% trong 6 tháng cuối năm 2020, khi các ngành công nghiệp nặng và xây dựng của nước này khởi động trở lại.

Kết quả là mới đây Bắc Kinh đã được xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Thông thường, trước khi diễn ra các sự kiện quan trọng, chính phủ Trung Quốc thường sử dụng công nghệ gieo mây để làm mưa nhân tạo giúp làm sạch không khí và yêu cầu các nhà máy ở nội đô và xung quanh Bắc Kinh phải đóng cửa để đảm bảo trời trong xanh trong những ngày diễn ra sự kiện. Nhưng năm nay mọi nỗ lực đều thất bại: ngày 5.3.2021, ngày đầu tiên diễn ra Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ở Bắc Kinh, đã chứng kiến PM2.5 lên tới 209 theo thang đo của World Air Quality Index (từ 201-300 được xem là rất không lành mạnh).

Tình hình chính trị cũng ảnh hưởng đến chất lượng không khí. Trong 50 năm qua, đạo luật Clean Air Act đã giúp giảm ô nhiễm không khí tại Mỹ dù nền kinh tế vẫn tăng trưởng. Nhưng trong 2 năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump (2016-2018), ô nhiễm không khí tại Mỹ đã tăng 5,5%, do nền kinh tế tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, thiếu thực thi đạo luật Clean Air Act cũng như hỏa hoạn liên tiếp xảy ra đã gây nên sương khói dày đặc.

Ô nhiễm không khí ước tính sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu tổn thất khoảng 2.900 tỉ USD mỗi năm. Và dù chất lượng không khí có phần cải thiện trên toàn cầu trong năm 2020 nhưng ô nhiễm vẫn tạo ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng: Tokyo đã tổn thất 43 tỉ USD do sương khói vào năm 2020, Thượng Hải tổn thất 19 tỉ USD và Jakarta mất tương đương 8,3% GDP thành phố do chất lượng không khí kém, theo một nghiên cứu vào tháng 2 của Greenpeace và IQAir.

Trước vấn nạn ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc diễn ra trong tháng 3.2021, theo kế hoạch 5 năm được thông qua, chính quyền Bắc Kinh nhất trí về cơ bản sẽ loại bỏ ô nhiễm khí hậu vào năm 2035 và cam kết đạt trung lập carbon vào năm 2060. Nhiều quốc gia khác cũng có động thái tương tự. Cắt giảm khí thải sẽ không ngăn được các trận bão cát hay hỏa hoạn xảy ra trong tương lai, nhưng ít ra có thể giúp con người cảm thấy dễ thở hơn và cứu hàng triệu sinh mạng khỏi tử vong và bệnh tật do ô nhiễm không khí.