Bờ sông Sài Gòn đang bị “tư nhân hóa”, “gánh” hàng chục dự án bất động sản

“Những dự án bất động sản khiến bờ sông Sài Gòn ở trở thành của riêng, phục vụ cho một số người giàu, người có tiền chứ không phải không gian công cộng, là mảng xanh, công viên phục vụ cho hơn 10 triệu người dân thành phố đến vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi”, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nhận định.

Một dự án lấn sông Sài Gòn đã bị UBND TP.HCM xử phạt – Ảnh: HĐ/Một Thế Giới

Bờ sông Sài Gòn đang bị “tư nhân hoá”

Mới đây, tại buổi làm việc giữa các đại biểu Quốc hội với UBND TP.HCM diễn ra ngày 18.10, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói rằng thời gian vừa qua, hai bên bờ sông Sài Gòn đang bị “tư nhân hóa” bằng nhiều dự án bất động sản.

Những dự án này đã khiến bờ sông Sài Gòn ở TP.HCM trở thành của riêng, phục vụ cho một số người giàu, người có tiền chứ không phải không gian công cộng, là mảng xanh, công viên phục vụ cho hơn 10 triệu người dân thành phố đến vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi. Bởi lẽ, có dự án bất động sản ven sông đang được rao với giá lên đến 200 tỉ đồng/căn biệt thự.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, không phải thành phố nào cũng có con sông đẹp như sông Sài Gòn ở TP.HCM. Tuy nhiên, ông Nghĩa đang rất lo lắng khi nó đang bị lấn chiếm hàng này, thậm chí phân lô bờ sông vì bị nhóm lợi ích chi phối. Bờ sông biến thành các dự án bất động sản sẽ phá vỡ quy hoạch và gây bất công cho hàng triệu người dân thành phố.

Ông Nghĩa chia sẻ tại nhiều nước trên thế giới, không gian dọc bờ sông là nơi công cộng, ở đó xây dựng đường sá, những cánh rừng, mảng xanh phục vụ cho công chúng. Những ngày cuối tuần, các hộ gia đình thoải mái dạo chơi, nghỉ ngơi dọc hai bờ sông.

Trên thực tế, những lo ngại của đại biểu Trương Trọng Nghĩa là hoàn toàn có cơ sở, khi 2 bên bờ sông Sài Gòn đang rất tấp nập với nhiều dự án nhà ở cao cấp.

Trong một đô thị phát triển dày đặc công trình như TP.HCM, những vùng đất ven sông, kênh, rạch được xem là đất “vàng”, vì thế giá đất cao hơn nơi khác từ 20-40%. Điều này khiến không ít chủ đầu tư lớn nhỏ chạy đua “săn” những quỹ đất ven sông để phát triển dự án.

Đơn cử như bờ tây sông Sài Gòn, rất nhiều dự án bất động sản đang được xây dựng với tốc độ “chóng mặt” cùng mật độ căn hộ rất lớn. Tại cảng Sài Gòn, khu vực này cũng được quy tại hoạch thành khu nhà ở cao tầng có chức năng thương mại, dịch vụ và căn hộ.

Theo đồ án quy hoạch xây dựng của Sở Quy hoạch – Kiến trúc, TP.HCM bao gồm khu đô thị mới Thủ Thiêm (bờ đông), khu trung tâm hiện hữu mở rộng 930 ha bao gồm một phần quận Bình Thạnh, một phần quận 4 và toàn bộ quận 1, quận 3 (bờ tây).

Nguy cơ phá vỡ quy hoạch

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển nói rằng, mật độ xây dựng các dự án bất động sản ở bờ tây sông Sài Gòn đang rất dày. Khi cấp giấy phép cho bờ tây quá nhiều thì thành phố đang đi ngược với chủ trương phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm. Như vậy là bất nhất giữa chiến lược, chủ trương và thực tế.

Ông Hiển cũng tỏ ra lo ngại khi trong thời gian từ 2014-2015, rất nhiều dự án ở bờ tây với mật độ căn hộ rất lớn đã được cấp phép và xây dựng cực nhanh. Đây là một điều mà rất hiếm thấy đối với dự án chung cư, bởi trung bình một dự án chung cư từ thỏa thuận quy hoạch, đến cấp phép xây dựng thì ít nhất đã mất 3-5 năm. Thế nhưng những dự án này chỉ mất 1-2 năm đã xây dựng xong.

“Cần phải làm rõ tiền thu sử dụng đất của Nhà nước ở những dự án ven sông Sài Gòn này là bao nhiêu, số tiền mà Nhà nước làm hạ tầng ở khu vực này bao nhiêu… để xem người dân thành phố có được lợi hay không? Những vấn đề này phải rõ ràng thì mới trả lời được tác động của những dự án bất động sản tới hạ tầng khu vực. Khi những câu hỏi này chưa trả lời rõ ràng, thậm chí số liệu không cung cấp đầy đủ thì chắc chắn việc xây dựng này là không đúng.

Cần phải xem xét mật độ dân số đường Nguyễn Hữu Cảnh trước đây và bây giờ. Xem việc xây dựng những dự án như vậy có phá vỡ quy hoạch hay không? Nếu không phá vỡ thì có quyền xây dựng, còn phá vỡ thì rõ ràng những dự án này không phù hợp. Thế nhưng, tôi tin nó sẽ phá vỡ vì trong quy hoạch ở Ba Son, Tân Cảng trước đây chưa có bao giờ mật độ xây dựng lớn đến vậy”, ông Hiển nhận định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực – Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam thừa nhận hiện nay có rất nhiều các thế lực đại gia dùng các mối quán hệ tài chính để thủ lấp những vị trí tốt tại bờ sông Sài Gòn.

Theo ông Đực, trước đây, một số khu vực ven sông Sài Gòn không được quy hoạch nhà cao tầng, nhưng người ta vẫn tìm cách để hợp thức hóa thành nhà cao tầng. Điều này làm mất đi cảnh quan của một đô thị rất lớn. Bởi một khúc sông có nhiều cao ốc cao rất có nguy cơ phá vỡ quy hoạch.

Việc xây dựng dự án ven sông nguy cơ lún sập thì không đáng kể bằng việc chiếm đi cảnh quan, không khí sinh hoạt làn gió mát bị ngăn cản bởi các bức tường bê tông. Về giao thông, trước mắt đã có hậu quả về tình trạng ngập nước, đơn cử như đường Nguyễn Hữu Cảnh, hiện nay đã lên đến hơn 15.000 căn hộ, trong khi đó đường thì rất nhỏ.

Liên quan đến quy hoạch bờ sông Sài Gòn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có đề nghị UBND TP.HCM có báo cáo về hiện trạng sử dụng đất hai bên bờ sông thế nào, quy hoạch ra sao tại 3 giai đoạn: 2006, 2010 và 2017 để thành phố xem xét quy hoạch cũng như việc sử dụng đất qua các thời kỳ; đồng thời đề xuất để thống nhất chủ trương, triển khai quy hoạch trong thời gian tới.