Hết thời khai khoáng thô “cứu” tăng trưởng

ThienNhien.Net – Tính chung 8 tháng năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 4,8%.

Phát triển công nghiệp khai khoáng luôn kèm theo những thách thức về bảo vệ môi trường

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8-2017 ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,3%… Đáng lưu ý, ngành khai khoáng giảm 5%; tiếp tục đà giảm trong 2 năm trở lại đây. Tính chung 8 tháng năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 4,8%.

Theo các chuyên gia, mặc dù công nghiệp khai khoáng vẫn chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế, song trong 2 năm trở lại đây tăng trưởng thấp, thậm chí suy giảm mạnh do khai thác ngày càng khó khăn và phụ thuộc nhiều vào biến động giá và cung – cầu trên thị trường thế giới. Nói như chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, dường như đã qua rồi cái thời khai khoáng “cứu” tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh dầu thô giảm giá mạnh và nhiều công nghệ mới đã khiến thế giới không còn quá khổ sở vì cơn khát dầu như trước. Nhìn vấn đề ở một khía cạnh tích cực, TS Võ Trí Thành cho rằng, sự giảm sâu của ngành công nghiệp khai khoáng cũng là động lực quan trọng để các nhà quản lý quyết tâm đổi mới tư duy, chuyển đổi mô hình tăng trưởng bớt dựa vào khai thác tài nguyên, “xanh” hơn, bền vững hơn.

Trên thực tế, trong hai thập kỷ qua, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam đã được khai thác ở quy mô lớn và đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Theo số liệu thống kê mới nhất từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước có khoảng 450 mỏ khai thác khoáng sản do Nhà nước quản lý, khai thác nhưng mang về chưa đến 3,5% GDP. Trên 170 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản của nước ta phần lớn vẫn khai thác bằng phương pháp thủ công, bán cơ giới, công nghệ lạc hậu, chưa kể ý thức chấp hành luật pháp chưa cao, thiếu sự quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, bảo vệ tài nguyên khoáng sản…, dẫn đến gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến rừng và thảm thực vật.

Cho đến nay vẫn chưa thống kê được toàn bộ đất đá thải từ khoảng 1.000 mỏ và điểm mỏ đang khai thác, chế biến trên phạm vi cả nước. Đất đá thải không chỉ làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn đang làm biến dạng địa hình, địa chất. Bên cạnh đó, do phải chuyển đổi mục đích phục vụ cho khai thác khoáng sản, cả nước đã chuyển mục đích sử dụng 11.312ha rừng, đất lâm nghiệp sang khai thác khoáng sản, song việc trồng lại rừng tại các khu vực kết thúc khai thác còn rất hạn chế. Ô nhiễm “nhìn thấy được” là vậy, những dạng ô nhiễm “vô hình” khác, như trường phóng xạ tại nhiều nơi ở khu vực khai thác sa khoáng titan ven biển cũng được ghi nhận là “khá cao” và “rất cao” so với ngưỡng an toàn phóng xạ, tiềm ẩn nguy cơ đối với người lao động và dân cư lân cận.

Trong những năm tới, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25-4-2011 của Bộ Chính trị “về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, tăng tỷ trọng công nghiệp khai khoáng trong sản xuất công nghiệp vẫn là một mục tiêu quan trọng.

Tuy nhiên, như đã nêu rất rõ trong các văn bản quan trọng nêu trên, mục tiêu này chỉ có thể thực hiện được khi xây dựng và phát triển thành công một số ngành công nghiệp khai thác, chế biến sâu tầm cỡ trong khu vực, thông qua các chính sách huy động nguồn vốn xã hội; khuyến khích khai thác tiết kiệm, hiệu quả; sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường. Trong quá trình thực hiện, cần tăng cường công tác quản lý và cấp phép khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản, tăng cường thanh tra, kiểm tra sau cấp phép để hạn chế ô nhiễm môi trường, chống thất thu ngân sách…

Nguồn: