Cần đẩy mạnh nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học

ThienNhien.Net – Nói về sự kiện mới đây, loài chồn Melogale cucphuongensis phát hiện tại Cúc Phương được công nhận là loài mới cho khoa học, ông Trọng Đạt, cán bộ thuộc Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế của Vườn cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên những phát hiện như thế này được ghi nhận tại Cúc Phương, tuy nhiên, phát hiện này có ý nghĩa lớn, cho thấy rằng thiên nhiên nơi đây còn tiềm ẩn nhiều giá trị cần được chú ý bảo tồn và tiếp tục khám phá”.

ThienNhien.Net đã có buổi trò chuyện với ông Lê Trọng Đạt về công tác nghiên cứu khoa học của Vườn trong những năm qua.

Ông Lê Trọng Đạt (bên phải) và GSTS. Vũ Quang Côn tại VQG Cúc Phương

PV: Thưa ông, phát hiện về loài chồn mới vừa qua dẫu sao cũng mang tính chất tình cờ, nhờ kiểm lâm tịch thu tang vật vi phạm. Ông có thể chia sẻ gì về kết quả và hiệu quả các chương trình điều tra đa dạng sinh học do Vườn chủ động tiến hành?

Ông Lê Trọng Đạt: Để đánh giá tính hiệu quả của công tác nghiên cứu khoa học của Vườn trong suốt quá trình, cần nhìn vào kết quả nghiên cứu khoa học của Vườn ở từng thời kỳ cụ thể.

Trong khoảng 10 năm đầu sau thành lập Vườn (1962-1971), đây là thời kỳ tiến hành liên tục các nghiên cứu cơ bản. Năm 1971, Vườn đã tập hợp một cách hệ thống và lần đầu tiên công bố các dữ liệu về đa dạng sinh học, với ghi nhận 1.614 loài thực vật có mạch, 255 loài động vật có xương sống. Ngoài ra, trong giai đoạn này đã thu thập được khoảng 1.800 dạng loài động vật không xương sống song phần lớn số mẫu vật này chưa được định danh.

Hai thập kỷ tiếp theo, khoảng thời gian từ 1972 đến 1992, do chiến tranh và tình hình kinh tế khó khăn của đất nước sau giải phóng nên hoạt động nghiên cứu bị ngưng trệ và gián đoạn, kết quả vì thế không có gì tiến triển.

Trong 10 năm gần đây, công tác nghiên cứu khoa học đã được quan tâm trở lại. Được sự hỗ trợ của Chính phủ, sự giúp đỡ của nhà khoa học và các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước, Vườn đã tiến hành nhiều chương trình điều tra cơ bản hàng năm hay định kỳ 3-5 năm theo dõi sự biến động quần thể của các loài, đặc biệt là những loài quý hiếm và đặc hữu.

Ngoài ra, Vườn cũng đã thiết lập các chương trình, dự án nhân nuôi giống bảo tồn các loài quý hiếm đã bị tuyệt chủng hoặc trên đà suy giảm mạnh ngoài tự nhiên nhằm bảo tồn và phát triển chúng. Một số chương trình, dự án tiêu biểu là bảo tồn các loài Lan, Tuế, Hạt trần, Rùa, Tê tê, Cầy vằn; Cứu hộ bảo tồn Linh trưởng quý hiếm, vv… Nhiều chương trình, dự án bảo tồn đã thu được kết quả đáng mừng.

Theo thống kê năm 2011, Vườn có 2.234 loài thực vật có mạch, 662 loài động vật có xương sống và 1.899 loài động vật không xương sống.

Như vậy là chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ, từ 1992 đến nay, đã có 620 loài thực vật bậc cao, 407 loài động vật có xương sống, gần 2.000 loài và dạng loài động vật không xương sống đã được phát hiện bổ sung vào danh lục khu hệ động thực vật cho Vườn.

Trong đó có một số loài quý hiếm, đặc hữu lần đầu tiên được ghi nhận tại Cúc Phương như: Sóc bụng đỏ Cúc Phương Callosciurus erythraeus cucphuongensis, Thằn lằn tai Cúc Phương Tropidophorus cucphuongensis,  Cá niết Cúc Phương Pterocryptis  cucphuongensis; Ve sầu Cúc Phương Euterpnosia cucphuongensis; Chè hoa vàng Cúc Phương Camellia cucphuongensis; Thu hải đ­ường Cúc Ph­ương Begonia cucphuongensis; Pistacia Cúc Phương Pistacia cucphuongensis; Khoai nưa Cúc Ph­ương Amorphophallus  dzui; Lan Việt Vietorchis aurea; Núc nác dây Nyctocalos cuspidatum; Cói túi Cúc Phương Carex trongii, vv…

Một số phát hiện loài mới cho khoa học gần đây đáng chú ý có loài Núc nác dây Nyctocalos cuspidatum (2002); Lan Việt Vietorchis aurea (2004), Ve sầu Cúc Phương Euterpnosia cucphuongensis (2010) vv.., Gần đây nhất, như chúng ta đã biết là tháng 7 năm 2011 lại mới phát hiện một loài chồn mới có tên khoa học là Melogale cucphuongensis.

PV: Thưa ông , nguồn kinh phí dành cho công tác nghiên cứu và điều tra đa dạng sinh học chiếm bao nhiêu phần trăm trong ngân sách hoạt động của Vườn hàng năm? Khoản kinh phí này có đáp ứng được cơ bản nhu cầu thực tế hay không?

Ông Lê Trọng Đạt: Mặc dù nghiên cứu khoa học  là một trong ba nhiệm vụ thường xuyên của Vườn song nguồn ngân sách từ kinh phí nhà nước cho nghiên cứu cơ bản ở VQG rất eo hẹp, chủ yếu được phân bổ vào lương sự nghiệp hàng tháng cho cán bộ, nhân viên làm công tác nghiên cứu.

Cúc Phương có ưu thế của một vườn quốc gia được ra đời sớm (VQG đầu tiên của Việt Nam – PV), cho đến nay đã khá hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng cũng như các nghiên cứu cơ bản. Song cũng vì vậy mà Cúc Phương không còn nằm trong nhóm ưu tiên đầu tư của các tổ chức bảo tồn quốc tế và các quỹ, bởi các tổ chức này thường hướng đến trợ giúp các khu bảo tồn mới được thành lập.

Ở Cúc Phương hiện nay vẫn duy trì một số dự án cứu hộ, bảo tồn loài hợp tác với một số tổ chức nước ngoài với quy mô nhỏ. Kinh phí chủ yếu chi trả cho chuyên gia, công nhân lao động trực tiếp và thức ăn, chuồng trại cho động vật.

Kinh phí đầu tư còn hạn chế như vậy, trong khi các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học và áp lực về quản lý không ngừng gia tăng cũng là khó khăn cho việc duy trì và mở rộng các chương trình hợp tác nghiên cứu của Vườn.

PV: Eo hẹp về kinh phí dường như cũng không phải là khó khăn duy nhất?

Ông Lê Trọng Đạt: Vâng, đúng là như vậy. Hạn chế về nhân lực và năng lực cũng là một rào cản. Hiện nay số cán bộ của Vườn đủ khả năng để xây dựng các chương trình dự án bảo tồn và chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ trực tiếp triển khai các nghiên cứu khoa học, nhất là ở bậc sau đại học còn thiếu. Vì vậy, trong những năm qua, Vườn chủ trương tận dụng các chương trình nghiên cứu để cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo trong nước cũng như quốc tế, nâng cao trình độ và nghiệp vụ cho anh em.

PV: Từng có nhiều năm gắn bó với Cúc Phương, ông có điều gì trăn trở đối với bảo tồn đa dạng sinh học nơi đây?

Ông Lê Trọng Đạt: Tôi thấy rằng việc nhận diện các mối đe dọa để tìm giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu vẫn luôn thường trực. Những năm qua, mặc dầu Vườn đã rất tích cực và quyết liệt đấu tranh ngăn chặn xâm hại rừng nhưng vì đặc thù Vườn nằm ngay sát vùng đồng bằng nơi có mật độ dân cư cao, đời sống người dân còn đói nghèo và lệ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên rừng nên nạn săn bắt, khai thác trộm gỗ và lâm sản phụ vẫn luôn rình rập. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ tài nguyên của nhiều khách tham quan, người dân sống trong và xung quanh Vườn nhìn chung còn chưa tốt.

Trong số các mối đe dọa thì săn bắt, khai thác gỗ và lâm sản phụ, tiêu thụ và buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã là những nguyên nhân chủ yếu khiến đa dạng sinh học ở Cúc Phương bị suy giảm và đã dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài như hổ, vượn. Đây vẫn sẽ là nguy cơ đe dọa lớn nhất tới các quần thể động thực vật trong thời gian tới nếu tình trạng trên không được kiểm soát và ngăn chặn triệt để.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Dưới đây là một số loài mới được phát hiện ở Vườn quốc gia Cúc Phương gần đây nhất, ảnh do ông Lê Trọng Đạt cung cấp:

Lan Việt (Vietorchis aurea)
Thằn lằn tai Cúc Phương (Tropidophorus cucphuongensis)
Ve sầu Cúc Phương (Euterpnosia cucphuongensis)