Chủ động với biến đổi thời tiết

ThienNhien.Net – Nước lũ đang đổ về mạnh ở 3 tỉnh đầu nguồn Long An, An Giang và Đồng Tháp. Một số huyện đầu nguồn đang khẩn trương triển khai các giải pháp để cứu lúa hè thu.

Hàng ngàn nông dân ở xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp bỏ hẳn sản xuất lúa hè thu để xả nước lũ vào vùng đê bao khép kín. Đây là cách làm hay: tận dụng xả lũ, rửa trôi các chất tồn dư bảo vệ thực vật, nguồn lợi thủy sản sẽ gia tăng, nhiều người có kế mưu sinh bằng nghề thủy sản. Khi “mùa nước nổi đẹp hơn”, nước lũ chính là nguồn dự trữ để đẩy hạn, mặn trong mùa khô.

Dự báo của ngành khí tượng thủy văn cho thấy nước lũ sẽ đạt mức báo động 1 tại Tân Châu và Châu Đốc. Đỉnh lũ năm 2017 khả năng sẽ xảy ra vào nửa đầu tháng 10-2017, ở mức báo động 2 hoặc báo động 3 (sông Tiền tại Tân Châu từ 4 – 4,5m, sông Hậu tại trạm Châu Đốc từ 3,5 – 4m). Đỉnh lũ năm 2017 cao hơn năm 2016 và tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm nhưng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ lên nhanh hơn bình thường, do mưa lớn cực đoan xuất hiện, tập trung nhiều ngày trên khu vực thượng nguồn sông Mê Công kết hợp với việc điều tiết dòng chảy từ thượng nguồn của các hồ thủy điện.

Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT khuyến cáo nên ưu tiên sản xuất vụ thu – đông ở những vùng an toàn đối với lũ, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra bằng những giải pháp đồng bộ về thời vụ, cơ cấu giống, hệ thống công trình đê bao, cống đập; ngành nông nghiệp các tỉnh, thành tiếp tục theo dõi tính toán cân đối nguồn nước, dự báo tình hình lũ, ngập úng. Đồng thời, cần quản lý chặt chẽ không để gieo trồng ngoài kế hoạch ở những khu vực có nguy cơ bị ngập úng. Với hệ thống đê bao như hiện nay, cần đặc biệt quan tâm đến các vùng đê bao xung yếu, vùng trũng, ven sông, cù lao…

Theo các chuyên gia về khí tượng thủy văn, nguyên nhân lũ ĐBSCL năm nay về sớm và có khả năng xảy ra lũ lớn là do lượng mưa năm nay cao hơn trung bình nhiều năm. Đây cũng là một hình thái của thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Điều này cũng tác động tiêu cực đến ĐBSCL do vừa trải qua năm hạn mặn lịch sử.

Hiện tại, ĐBSCL được chia làm 5 vùng sinh thái, 22 tiểu vùng và 120 khu vực thủy lợi. Các công trình phục vụ tưới tiêu có hơn 14 ngàn km kênh trục và kênh cấp một, 27 ngàn km kênh cấp hai và 954 cống lớn, 28 ngàn cống, bọng nhỏ và hơn 2,9 ngàn trạm bơm điện. Riêng đối với các công trình phục vụ kiểm soát lũ có khoảng 31,6 ngàn km bờ bao chống lũ, 523km đê biển đã được đầu tư.

Từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1397/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đi kèm quyết định là danh mục công trình thủy lợi cần đầu tư đến năm 2020 và các giai đoạn tiếp theo với tổng vốn hơn 171 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, do khả năng bố trí vốn còn nhiều khó khăn cho nên những công trình theo danh mục được phê duyệt triển khai thi công chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Ở vùng ven biển, các công trình ngăn mặn, giữ ngọt chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Vùng đầu nguồn sông Cửu Long, hệ thống đê bao khép kín và thoát lũ ra biển Tây đang làm hạn chế nguồn nước đổ về hạ lưu, đó là chưa kể sự điều tiết của hàng loạt đập thủy điện trên dòng chính Mê Công sẽ gây tác động không nhỏ đến ĐBSCL.

Vì vậy, theo các chuyên gia, để ĐBSCL sống chung với lũ an toàn, và sống chung với hạn, mặn hợp lý, cần quy hoạch lại hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, bền vững, ứng phó kịp thời với diễn biến của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một bất thường và khốc liệt.

Nguồn: