Gian nan thoát nghèo: Luẩn quẩn khuyến nông, khuyến ngư

ThienNhien.Net – Mô hình khuyến nông, khuyến ngư giúp người dân tạo sinh kế bền vững, kinh tế ổn định hơn nhưng mục đích ấy vẫn còn xa tầm với của người dân vì những mô hình thiếu thực tế.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 6.705 tỉ đồng. Từ nguồn vốn này, trong những năm qua, hàng trăm mô hình khuyến nông, khuyến ngư ra đời.

Hẩm hiu thanh long ruột đỏ

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, nhiều mô hình khi áp dụng vào thực tế cho kết quả không như mong muốn. Một trong số đó là mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Trà Bồng.

Năm 2009, Trạm Khuyến nông huyện Trà Bồng triển khai thí điểm mô hình cây thanh long ruột đỏ tại các xã vùng thấp của huyện Trà Bồng với mục đích giúp người dân thoát nghèo. Kết quả thí điểm mỗi hecta thanh long đạt sản lượng 10.000 tấn/ha, thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm. Huyện Trà Bồng đánh giá mô hình khuyến nông này sẽ giúp nhiều hộ dân đổi đời.

Ngay sau đó, UBND huyện Trà Bồng chỉ đạo nhân rộng mô hình thanh long ruột đỏ. Thông qua nguồn quỹ của chương trình giảm nghèo, Trạm Khuyến nông huyện Trà Bồng cấp kinh phí hàng tỉ đồng hỗ trợ phân, giống và trồng trụ bê-tông cho các hộ tham gia mô hình. Đến năm 2014, toàn huyện có 250 hộ dân tham gia trồng thanh long ruột đỏ với diện tích hơn 11 ha. Nhiều hộ còn vay mượn tiền để đầu tư kỹ càng các giàn phun nước, xây thêm trụ bê-tông kiên cố, ngày đêm chăm sóc cẩn thận cây thanh long để chờ đến ngày thu quả ngọt.

Nhiều vườn thanh long ruột đỏ của người dân huyện Trà Bồng chết trụi sau 2 năm chăm bón

Thế nhưng, thực tế không giống như làm thí điểm. Phần lớn diện tích cây thanh long ruột đỏ sau một thời gian trồng mắc bệnh đốm trắng chết trụi, số sống được thì sinh trưởng kém. Nhiều hộ vì chán nản đã không buồn tưới nước, chăm sóc, bỏ hoang vườn tược.

Ông Võ Tứ (ngụ thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng) cho biết cách đây 2 năm, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, gia đình ông phá bỏ 1.000 m2 các loại cây trồng khác để chuyển trồng thanh long ruột đỏ. Ông còn đầu tư một giàn phun nước với kinh phí hơn 10 triệu đồng. “Hơn một năm đầu tiên, 300 gốc thanh long phát triển rất tốt, ai cũng khen. Nhưng đến khi gần cho thu hoạch thì phần lớn cây bị bệnh đốm trắng rồi chết rục trên trụ bê-tông. Gia đình mời cán bộ đến hướng dẫn, dùng bao nhiêu loại thuốc cứu thanh long nhưng vẫn bất lực, đến giờ thì đành bỏ hoang. Hơn 30 triệu đồng kinh phí đầu tư và gần 2 năm trời công chăm sóc mất trắng” – ông Tứ than vãn.

Rất nhiều hộ dân khác đã trót trồng thanh long ruột đỏ cũng lâm cảnh tương tự hộ ông Tứ. Trong số hơn 11 ha diện tích thanh long ruột đỏ trồng lúc đầu, hiện chỉ còn gần 3 ha được người dân giữ lại.

Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, thừa nhận thanh long ruột đỏ là một trong những mô hình không đem lại hiệu quả như mong đợi. Khi triển khai mô hình chưa tính toán hết yếu tố thời tiết, thị trường đầu ra… dẫn đến không đạt hiệu quả như mong đợi.

“Chết” theo con cá tầm

Cũng gần giống tình cảnh cây thanh long ruột đỏ, cuối năm 2014, Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây được cấp kinh phí hàng trăm triệu đồng thực hiện thí điểm dự án nuôi cá tầm. Trong đợt đầu tiên, trạm mua 500 con giống thả nuôi tại đầu nguồn suối Bua (xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây) với tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng.

Theo tính toán của Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây, nếu cá phát triển tốt, sau 8 tháng nuôi, cá tầm đạt trung bình 3 kg/con. Với giá thị trường lúc đó là 250.000-300.000 đồng/kg, 500 con cá tầm khi bán ra thị trường sẽ cho thu nhập không nhỏ. Nếu áp dụng để nhân rộng, cá tầm cho lợi nhuận cao hơn hẳn so với các vật nuôi khác. Đúng như kỳ vọng, kết quả sau 8 tháng nuôi thí điểm, cá tầm đạt trọng lượng bình quân 2,7-3,5 kg/con.

Dù kết quả thí điểm khả quan nhưng mô hình nuôi cá tầm không thể nhân rộng ở Sơn Tây

Từ kết quả ban đầu, đến tháng 7-2015, Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây tiếp tục đào ao, thả nuôi 2.000 cá tầm ở suối Bua với tổng kinh phí khoảng 800 triệu đồng. Số cá này xuất bán ra thị trường sau 1 năm nuôi và cũng cho kết quả mỹ mãn.

Tuy kết quả thí điểm khả quan và hứa hẹn đem lại hiệu quả vượt trội, có thể tạo sinh kế bền vững cho người dân nhưng đáng nói là sau 3 năm với 2 lần nuôi thí điểm, mô hình nuôi cá tầm vẫn không thể nhân rộng. Thay vào đó, số cá tầm nuôi thí điểm đợt 1 đến cuối tháng 7 vừa qua chỉ còn khoảng 50 con, đợt 2 cũng đã hao hụt đi một phần.

Lý giải nguyên nhân “treo” dự án, ông Trần Quý, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây, cho rằng để nuôi cá tầm cần tuân thủ nghiêm ngặt một số biện pháp kỹ thuật, vốn đầu tư ban đầu khá cao… Trong khi đó, người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Cadong nên khó có thể chuyển giao kỹ thuật. Vì vậy, chính quyền địa phương đang hướng đến liên kết với các doanh nghiệp để phát triển nhân rộng nhưng chưa có đơn vị nào đầu tư.

Triển khai các mô hình khuyến nông với mục đích cuối cùng là giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm bền vững, kinh tế ổn định hơn. Nhưng mục đích ấy vẫn còn quá xa tầm với của người dân vì những mô hình thiếu thực tế. Và sau 3 năm thí điểm, một dự án vốn được UBND huyện Sơn Tây kỳ vọng tạo ra sinh kế tốt cho đồng bào Cadong xem như “chết” theo con cá tầm.

Từ thất bại của một số mô hình khuyến nông ở địa phương, ông Trần Văn Sương đúc kết: “Chỉ khi người dân quyết tâm, chính quyền hỗ trợ tích cực thì mô hình giảm nghèo mới có thể thành công”.