Những nguồn phát thải làm “bẩn” môi trường không khí đô thị

ThienNhien.Net – Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hầu hết các đô thị lớn của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng.

Áp lực ô nhiễm chủ yếu do hoạt động giao thông vận tải, hoạt động xây dựng, hoạt động của các xí nghiệp nội đô, sinh hoạt của dân cư, xử lý rác thải và các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào.

Trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị, khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đóng góp nhiều nhất trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm. Trong đó, xe gắn máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất.

Ô nhiễm không khí đang có chiều hướng tăng cao. (Nguồn ảnh:TTXVN)

Báo cáo môi trường quốc gia năm 2016 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cũng cho thấy, các phương tiện giao thông cơ giới sử dụng xăng và dầu diesel làm nhiên liệu, quá trình rò rỉ, bốc hơi và đốt cháy nhiên liệu còn dẫn tới phát sinh nhiều loại khí độc như: VOC, Benzen, Toluen…

Bên cạnh hoạt động giao thông, hoạt động xây dựng trong đô thị cũng là nguồn gây ảnh hưởng lớn đến môi trường không khí. Mặc dù đã có quy định về che chắn bụi tại các công trường xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu và phế thải xây dựng, phun nước rửa đường nhưng việc thực hiện còn nhiều hạn chế.

Ngoài các nguồn ô nhiễm tại chỗ, chất lượng không khí đô thị còn bị tác động bởi các nguồn ô nhiễm từ nơi khác chuyển đến, đặc biệt là các nguồn ô nhiễm lớn nằm ngoài khu vực đô thị như: nhà máy nhiệt điện, sản xuất thép, sản xuất vật liệu xây dựng, đốt rơm rạ sau thu hoạch vụ mùa làm phát tán một lượng bụi lớn vào môi trường.