Dung nham phun trào ở Siberia đã gây ra cuộc đại tuyệt chủng

ThienNhien.Net – Theo trang web EurekAlert, các nhà địa chất ở ​​Đại học Syracuse, Mỹ, vừa tiết lộ nguyên nhân của Sự kiện đại tuyệt chủng kỷ Permi-kỷ Trias, xảy ra khoảng 252 triệu năm trước đây.

Theo phát hiện của họ, cái chết của nhiều loài sinh vật trên Trái đất là do một lượng khổng lồ magma (dung nham) phun trào ở Siberia. Các quá trình địa chất đó gây ra những biến đổi khí hậu và quá trình chuyển đổi từ Paleozoi đến Mesozoi.

Các nhà khoa học Mỹ đã công bố kết quả của công trình nghiên cứu trên Tạp chí Nature Communications.

Sự phun trào một lượng khổng lồ magma ở Siberia đã ảnh hưởng đến một khu vực vô cùng rộng lớn. Kết quả là hình thành các “bẫy” – kiến tạo địa chất gồm bazan và các lớp trầm tích. Sau đó chúng có thể dễ dàng bị phá hủy trong quá trình xói mòn, địa hình trở thành đồng bằng được phân cách bằng các gờ cao. Các “bẫy” chiếm một diện tích khoảng hai triệu km vuông và phát triển thành nền tảng của vùng Đông Siberi.

Theo các dữ liệu địa chất, cùng với sự tuôn trào của đất đá nham thạch là cuộc Đại tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất thế giới (The Great Dying). Hậu quả là 96% các loài sinh vật biển bị chết, 73% các loài có xương sống trên cạn cũng như 83% các loài côn trùng cũng biến mất. Theo các nhà khoa học, suy thoái đa dạng sinh học kéo dài những 60.000 năm.

Các nhà khoa học Mỹ cũng đã nghiên cứu thành phần địa chất và hóa học của những cái “bẫy” đó. Họ kết luận rằng magma đổ xuống, ảnh hưởng đến các lớp trầm tích giàu hydrocarbon. Kết quả là, chúng lại làm thải ra loại khí gây hiệu ứng nhà kính, dẫn đến sự thay đổi khí hậu.