Sau “lệnh giới nghiêm” về khoáng sản: Quản lý chồng chéo

ThienNhien.Net – “Luật Khoáng sản 2010 (thực thi năm 2011) tạo ra hành lang, chính sách mới về khoáng sản theo hướng chặt chẽ, minh bạch, quản lý được nguồn tài nguyên cho quốc gia… Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản còn chồng chéo, chưa đồng bộ” – ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Xử lý nhiều, nhưng vẫn là… điểm nóng

Qua 6 năm thực thi Luật Khoáng sản, tại Quảng Nam, Tỉnh ủy Quảng Nam và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, trong đó chú ý nhất là lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đưa ra nhiều giải pháp căn cơ để ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Cơ quan chức năng Quảng Nam truy quét, đẩy đuổi nạn khai thác vàng trái phép. Ảnh: T.H
Thời gian tới, tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung điều khoản về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản vàng, đá quý, bạc, khoáng sản độc hại. Trước đó, xử phạt từ 800.000.000 đến 1.000.000.000 đồng là chưa hợp lý, bởi thực tế, mức phạt này không khả thi đối với các đối tượng khai thác nhỏ lẻ, sử dụng công cụ thô sơ…”. Ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Theo báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Luật Khoáng sản, các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hơn 2.066 đợt kiểm tra, truy quét, đẩy đuổi hơn 3.373 đối tượng; tịch thu, phá, tiêu hủy 2.492 lán trại, 2.205 máy nổ, 26.690 lít dầu diesel, 344 cối máy đá, 40 cối đập đá, 2 khẩu súng tự tạo, 1 khẩu súng kalipdu, gần 5kg bột nghi chất nổ, 20 hầm lò, buộc tháo dỡ, di chuyển 82 tàu cuốc, 51 giàn tuyển, 37 băng chuyền, 453 xe múc, 12 xe tải, 15 ghe máy… Điều tra, xử lý 2.033 vụ, khởi tố điều tra 20 vụ, 40 bị can về tội “vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”, xử phạt vi phạm hành chính về khoáng sản với số tiền hơn 33,59 tỷ đồng…

Thời gian từ năm 2011-2015, UBND tỉnh cấp, ban hành 259 giấy phép, quyết định HĐKS, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, trong đó: 78 giấy phép thăm dò khoáng sản; 69 quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản; 95 giấy phép khai thác khoáng sản…

Ông Bùi Văn Ba – Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TNMT tỉnh Quảng Nam) cho biết: Luật Khoáng sản quy định rõ hơn về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác. Địa phương nơi có mỏ khoáng sản được Nhà nước điều tiết một phần khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, quy định rõ hơn về việc cấp phép khai thác khoáng sản phải thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch…

Luật Khoáng sản đã được thực thi, tuy nhiên Quảng Nam vẫn được xem là một trong những “điểm nóng” của việc khai thác khoáng sản trái phép, vậy nguyên nhân do đâu? Luật Khoáng sản có cứu vãn được khoáng sản trên địa bàn tỉnh? Về những vấn đề này, ông Ba cho biết: “Quảng Nam chỉ là một trong những “điểm nóng” chứ chưa phải là một điểm nóng. Nguyên nhân do nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, nằm rải rác các nơi, tập trung chủ yếu là mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn. Hiện mỏ vàng Bồng Miêu đã ngừng hoạt động, nhiều công nhân mất việc quay về làm vàng trái phép nên chưa xử lý dứt điểm, triệt để được. Khi đơn vị có hồ sơ đóng cửa mỏ, số diện tích trên sẽ bàn giao về lại cho địa phương quản lý, lúc đó địa phương sẽ có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, cương quyết hơn…”.

Luật cương quyết, nhưng vẫn còn chồng chéo!

Với câu hỏi khi mỏ vàng đóng cửa, Sở TNMT có ý định tham mưu UBND tỉnh đánh sập các hầm vàng đã khai thác nhằm đảm bảo an ninh trật tự cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản không? Ông Bùi Văn Ba trả lời: “Khi họ bàn giao xong, cơ quan chức năng sẽ tổ chức kiểm tra, xem việc đánh sập hầm vàng có hiệu quả hay không. Còn bây giờ chưa thể trả lời việc đánh sập hầm vàng được, Sở chưa có suy nghĩ này”.

Ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Luật Khoáng sản 2010 tạo ra hành lang, chính sách mới về khoáng sản theo hướng chặt chẽ, minh bạch, quản lý được nguồn tài nguyên cho quốc gia; có chiến lược quy hoạch khoáng sản để phát triển bền vững kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và có kế hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản còn chồng chéo, chưa đồng bộ, gây khó khăn…”.

Ông Toàn cũng nêu ra những khó khăn, như: Do địa bàn rộng lớn, cán bộ chuyên trách theo dõi về lĩnh vực khoáng sản cấp xã, thị trấn chưa có; phối hợp giữa các sở, ban, ngành hiệu quả chưa cao; trong đó, một số địa phương thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để thu ngân sách, gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về HĐKS. Một số đơn vị chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản.

Công nghiệp khai khoáng cần công khai, minh bạch

Không chỉ riêng thể chế pháp lý mà tất cả các vấn đề liên quan đến quy hoạch khoáng sản, thông tin đánh giá tiềm năng khoáng sản, cấp phép và giám sát hoạt động khoáng sản cũng như các nghĩa vụ tài chính, môi trường và xã hội mà doanh nghiệp khoáng sản cần thực thi đều cần phải được công khai, minh bạch.


   Khai thác vàng trái phép trên sông Tang ở huyện Tây Trà, Quảng Ngãi (Ảnh: T.L )

Theo ông Đào Đắc Tạo, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam, việc quản lý, thanh tra hoạt động khai khoáng hiện nay vẫn còn phân tán và chồng chéo. Cụ thể: Nội dung cấp phép hoạt động khoáng sản thì do Bộ TNMT quản lý nhưng hoạt động giám sát hoạt động khoáng sản lại do Bộ Công Thương thực hiện. Do đó, nên chăng xem xét việc thành lập một Ủy ban Quốc gia về giám sát minh bạch và an toàn khoáng sản với sự tham gia đầy đủ của đại diện các bên liên quan, các bộ ngành, doanh nghiệp và cả xã hội dân sự hoặc Ủy ban Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác. Ngành than những năm trước cũng được dự án JICA tài trợ để thành lập một mô hình tương tự là mô hình Ủy ban An toàn quốc gia trong ngành than nên đây có thể xem là mô hình tốt để học hỏi và áp dụng.

Nhận định về vấn đề minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng, ông Lại Hồng Thanh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất khoáng sản (Bộ TNMT) cho rằng tùy từng chế độ sở hữu, quản lý khoáng sản và các bên liên quan mà mức độ minh bạch giữa các quốc gia cũng khác nhau. Theo ông, ở Việt Nam, nhu cầu về minh bạch là có nhưng cơ chế, mức độ minh bạch và thời điểm ra sao thì vẫn cần xem xét và bàn luận thêm. Hiện Bộ TNMT cũng xây dựng kế hoạch xây dựng văn bản pháp luật và thúc đẩy minh bạch trong khoáng sản,  ví dụ một số nội dung liên quan đến minh bạch cũng đã được đưa vào nội dung Nghị định 158/2016/NĐ-CP.

Cũng theo ông Thanh, thời gian tới, Bộ TNMT sẽ công khai các thông tin cơ bản về dự án khai thác khoáng sản, gồm: Diện tích, thời hạn, công suất, tình trạng, giấy phép; báo cáo đánh giá tác động môi trường, thậm chí cả nguồn thu từ khoáng sản đóng góp cho địa phương nhằm đảm bảo quyền lợi người dân nơi có khoáng sản.

Anh Thư