Bất an từ khu vực chứa hóa chất bảo vệ thực vật

ThienNhien.Net – Những năm gần đây, số người mắc các bệnh hiểm nghèo ở thôn Chiến Thắng, xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) tăng cao và độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ. Không ít người cho rằng, nguyên nhân là do khu vực chứa hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) vốn tồn tại nhiều năm trên địa bàn nhưng chưa được di dời, xử lý ô nhiễm, cải tạo phục hồi môi trường…

Thôn có nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo

Chúng tôi về xã Vĩnh Lộc, hỏi thăm đường đến khu chứa hóa chất BVTV tại thôn Chiến Thắng, khá đông người dân tình nguyện chỉ dẫn. Ở khu đất cao nhất thôn Chiến Thắng là hầm chứa hóa chất BVTV, những khối bê tông mốc thếch, xung quanh cỏ dại mọc um tùm. Trên mặt hầm lộ những lỗ thủng to có, nhỏ có. Ông Dương Trí Nguyên (62 tuổi), người sinh sống ở khu vực này đã hơn 10 năm, cho biết: “Vào những ngày nắng nóng hay vừa mưa xong, nếu có việc đi qua khu vực này thì mùi thuốc BVTV bốc lên nồng nặc. Do vị trí hầm chứa nằm ở trên cao nên cứ có mưa là thuốc BVTV theo nước chảy xối xả xuống thôn xóm. Trước đây, người dân trong xóm vẫn sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng vài năm gần đây thấy người trong làng bị ung thư liên tục nên các gia đình chẳng dùng nước giếng để nấu ăn nữa”.

Được biết, năm 1968, Bệnh viện huyện Can Lộc sơ tán về xã Vĩnh Lộc và mang theo các loại thuốc BVTV dùng để chống mối, mọt. Năm 1972, bệnh viện chuyển đi nơi khác, nhưng khu vực chứa thuốc BVTV không được chuyển đi cùng. Sau đó một số hộ dân chuyển tới đây làm ăn sinh sống và lập nên thôn Chiến Thắng.

Hầm chứa hóa chất BVTV ở thôn Chiến Thắng, xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh).

Ông Trần Xuân Bình, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, người sinh sống bên cạnh khu chứa thuốc BVTV, cho biết: “Loại thuốc mà bệnh viện đưa về là thuốc DDT và 666 màu trắng, được dùng để chống mối, mọt. Khi bệnh viện di dời đã mượn một căn nhà tre ba gian chuyển thuốc về đó nhưng không có ai trông coi, dần dần vón cục lại”.

Từ năm 2000 trở đi, trong vùng bắt đầu có những người qua đời vì căn bệnh ung thư, trong đó có những gia đình nhiều người cùng mắc bệnh. Theo số liệu thống kê của Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc, cả thôn Chiến Thắng có khoảng 150 hộ dân, với 570 nhân khẩu, nhưng có tới hơn 20 người mắc căn bệnh quái ác này. Chính vì vậy, mọi người mới tá hỏa đi tìm nguyên nhân.

Cần xử lý dứt điểm tàn dư hóa chất

Ông Đặng Văn Đồng, cán bộ tài chính xã Vĩnh Lộc nhớ lại: “Trước đây, dân làng tôi đều sử dụng nước giếng để sinh hoạt hằng ngày, thậm chí biết là có kho thuốc để hoang nhưng trẻ nhỏ vẫn chăn bò, cắt cỏ xung quanh về cho gia súc ăn. Chỉ đến khi nhiều người phát bệnh, người dân trong vùng mới để ý đến bãi trắng thường xuyên bốc mùi khó chịu nằm giữa thôn”.

Sau khi người dân gửi đơn kiến nghị, các cơ quan chức năng về xem xét, nhiều đoàn cán bộ của huyện, tỉnh lần lượt về lấy mẫu đất và nước để kiểm tra. Ông Trần Xuân Bình, nguyên Phó chủ tịch HĐND xã Vĩnh Lộc, cho biết: “Đoàn cán bộ huyện đã 3 lần về kiểm tra, xét nghiệm. Lần thứ nhất, kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm thuốc DDT và 666 trong đất và nước giếng vượt quá mức quy định. Thế nhưng lần thứ hai (cách lần thứ nhất đúng 1 năm) lại cho kết quả không còn ảnh hưởng nên không cần xử lý đất. Chúng tôi lại tiếp tục đưa đơn lên cấp tỉnh. Sau đó được Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn cán bộ trực tiếp về lấy mẫu, khảo sát, kết quả các mẫu đất và nước đều bị ô nhiễm cao”.

Chính vì vậy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng. Hơn 10 hộ dân đã được di dời ra khu vực tái định cư và nhận số tiền 20 triệu đồng/hộ. UBND tỉnh cũng đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con. Để khắc phục tàn dư hóa chất BVTV, UBND tỉnh đã cho thu gom toàn bộ thuốc và đất tàn dư xung quanh lại rồi xây hầm bê tông cố định lên trên. Tuy nhiên, sau đó người dân vẫn tiếp tục kiến nghị, vì khu vực chứa hóa chất vẫn bốc mùi nồng nặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống các hộ dân xung quanh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc cho biết: “Vấn đề ô nhiễm hóa chất trong đất và nước trên địa bàn thôn Chiến Thắng là đúng sự thật. Chúng tôi lo ngại vì tình trạng người dân mắc bệnh nặng vẫn đang xảy ra. Năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai dự án xử lý ô nhiễm và cải tạo phục hồi môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu ở giai đoạn 1. Toàn bộ số đất và tàn dư trong hầm hóa chất đã được đem vào miền Nam tiêu hủy. Tuy nhiên, việc xử lý ô nhiễm và cải tạo môi trường thì chúng tôi vẫn đang phải chờ giai đoạn 2 của dự án. Mong sao giai đoạn 2 sớm triển khai để gần 600 nhân khẩu đang sinh sống quanh khu vực không còn bị ảnh hưởng bởi tàn dư của hóa chất BVTV”.