Thảm họa COVID-19 ảnh hưởng lâu dài đến sự tiến bộ của “thế hệ tương lai”

Nhìn theo hướng tích cực, đại dịch đang cung cấp cơ hội để tái cấu trúc lại giáo dục và nhảy vọt về chất lượng hệ thống giáo dục.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres cho biết, tính giữa tháng 7, khoảng 160 quốc gia đóng cửa các trường học. Điều này ảnh hưởng đến hơn 1 tỉ học sinh, trong đó ít nhất 40 triệu trẻ em không thể đến trường mầm non. Điều này dẫn đến hơn 250 triệu trẻ em phải nghỉ học trước đại dịch và chỉ 1/4 học sinh trung học ở các nước đang phát triển tốt nghiệp với các kỹ năng cơ bản.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc – ông Antonio Guterres phát động chiến dịch “Save our Future”. Nguồn ảnh: AFP.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo, thế giới đang đối mặt với “một thảm họa đe dọa cả thế hệ” do tác động của COVID-19.

Khi phát động chiến dịch “Hãy cứu lấy tương lai của chúng ta” (Save our Future) của Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Antonio Guterres khẳng định: “Hiện, chúng ta đang đối mặt với một thảm họa có thể đe dọa cả thế hệ, làm lãng phí tiềm năng của con người, làm suy yếu những tiến bộ đạt được trong hàng thập niên và khiến tình trạng bất bình đẳng trở nên trầm trọng hơn”.

Vì vậy, một khi kiểm soát được đại dịch COVID-19, việc đưa học sinh trở lại lớp học và các tổ chức học tập một cách an toàn nhất phải là ưu tiên hàng đầu.

Tiến sĩ Inder Mohan Kapahy, nhà giáo dục và cựu thành viên Ủy ban Tài trợ Đại học Ấn Độ cho biết: Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Chỉ riêng ở Ấn Độ, có ít nhât 30 triệu học sinh bị ảnh hưởng xấu. Ở các nước nghèo, trường học không chỉ cung cấp giáo dục mà còn cung cấp chất dinh dưỡng, thực phẩm và kỹ năng sống. Theo một ước tính, sự gián đoạn trong giáo dục học đường có thể tiếp tục ít nhất bốn tháng nữa”.

Theo dự báo toàn cầu bao gồm 180 quốc gia của cơ quan giáo dục Liên Hợp Quốc UNESCO và các tổ chức đối tác, khoảng 23,8 triệu trẻ em và thanh thiếu niên từ bậc tiểu học đến đại học có nguy cơ bỏ học hoặc không được đến trường vào năm tới do tác động kinh tế của đại dịch.

Ông Antonio Guterres cho rằng, những quyết định mà chính phủ các nước đưa ra ở hiện tại sẽ có tác động lâu dài đến hàng trăm triệu người trẻ và triển vọng phát triển của các quốc gia trong nhiều thập niên tới.

Sự gián đoạn giáo dục từ đại dịch còn lâu mới kết thúc và có tới 100 quốc gia chưa công bố ngày các trường học mở cửa trở lại. Những cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh diễn biến COVID-19 đang trở nên phức tạp và khó lường. Hôm 3.8, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus lo ngại viễn cảnh khó có vaccine COVID-19 hoàn hảo để chấm dứt dịch bệnh sớm.


Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi hành động trong 4 lĩnh vực chính, đầu tiên là mở lại trường học. Việc tăng tài chính cho giáo dục cũng phải được ưu tiên. Các sáng kiến ​​giáo dục phải nhắm vào những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, bao gồm cả những người trẻ tuổi trong các cuộc khủng hoảng, dân tộc thiểu số và người khuyết tật. Và những sáng kiến ​​này nên khẩn trương tìm cách thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, vốn đã trở nên rõ ràng hơn trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Nhìn theo hướng tích cực, ông Antonio Guterres cho rằng, đại dịch đang cung cấp cơ hội để tái cấu trúc lại giáo dục và nhảy vọt về chất lượng hệ thống giáo dục.