Các biện pháp can thiệp nguồn nước khiến hạ nguồn thiếu nước trầm trọng hơn

ThienNhien.Net – Những can thiệp có quy mô lớn đến nguồn nước như xây dựng hệ thống thủy lợi, hồ, đập, kênh chuyển nước được xem là rất cần thiết cho sự phát triển của loài người. Tuy nhiên, những biện pháp này dường như chỉ giải quyết được tình trạng thiếu nước ở cấp độ địa phương, trong khi càng làm trầm trọng thêm vấn đề khan hiếm nước trên toàn cầu. Một nhóm các nhà nghiên cứu đã đánh giá ảnh hưởng của những can thiệp của con người đến nguồn nước và tác động tới tình trạng khan hiếm nước trên thế giới trong nghiên cứu mới công bố trên Nature Communications.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Ted Veldkamp – Đại học Vrije (Amstedam), nhà nghiên cứu khách mời của Viện Quốc tế về Phân tích Hệ thống Ứng dụng (IISA)  – cho hay: “Dẫn nước ra khỏi sông khiến lượng nước hạ nguồn giảm là điều đương nhiên. Nhưng vấn đề không hề đơn giản như vậy.” Lượng mưa và lượng nước dự trữ thay đổi theo mùa khiến các nhà xây dựng mô hình rất khó để ước tính lượng nước có sẵn cũng như tác động của các biện pháp can thiệp; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng rất khó để nhận thức đầy đủ khi có các yếu tố khác như hoạt động con người.

Trạm bơm chuyển nước sông Mê Kông vào hệ thống hồ chứa tại ĐB Thái Lan (Ảnh: PanNature)

Nghiên cứu này gần như là nghiên cứu duy nhất đưa ra tính toán toàn cầu về các tác động của nước ở địa phương và quốc gia, có tính đến sự biến đổi theo mùa và các biện pháp can thiệp tới nguồn nước khác nhau, bao gồm cả hút nước, xây dựng hồ chứa, thay đổi mục đích sử dụng đất và tưới tiêu. Sử dụng một tập hợp 5 mô hình thủy văn trên toàn cầu, các nhà nghiên cứu đã đánh giá quá trình biến đổi lượng nước có sẵn, nhu cầu dùng nước và tình trạng khan hiếm nước trên toàn cầu giai đoạn từ 1971 tới  2010. Các nhà khoa học cũng nêu bật các tác động riêng biệt của biến đổi khí hậu và can thiệp của con người.

Phương pháp tiếp cận theo hệ thống giúp các nhà nghiên cứu đưa ra đánh giá thực tế hơn những cách tiếp cận trước đó, đồng thời cũng cho thấy tình trạng khan hiếm nước trên thực tế đáng lo ngại hơn các tính toán trước kia.

Nghiên cứu cho thấy, tác động của con người đã thay đổi mạnh mẽ  các điểm nóng về khan hiếm nước với việc tác động tới gần 1/3 dân số toàn cầu trong giai đoạn từ 1971 tới 2010. Trung bình, xấp xỉ 20% dân số thế giới đã được gia tăng cung cấp nước do các can thiệp của con người, như xây dựng hồ chứa nước, giúp giảm tình trạng thiếu nước cho 8% dân số toàn cầu. Song, cùng thời điểm đó, 23% dân số bị giảm lượng nước cung cấp, làm tăng thêm 9% rơi vào tình trạng khan hiếm nước trầm trọng.

Bà Veldkamp chia sẻ: “Thông điệp chính của nghiên cứu là con người cần nghĩ về mối quan hệ chặt chẽ giữa thượng nguồn và hạ nguồn và hậu quả của những lựa chọn đó là gì? Bạn cần nhìn toàn cảnh tất cả những hậu quả chứ không chỉ là những tác động quy mô địa phương.”

Trong bối cảnh sức ép của biến đổi khí hậu và dân số đang làm gia tăng tình trạng khan hiếm nước, các nhà nghiên cứu cho rằng các nhà hoạch định chính sách và nhà quản lý nước cần phải có những quyết định tầm quốc gia và toàn cầu đối với chính sách ở địa phương. Điều này đặc biệt quan trọng với các lưu vực của các con sông chảy qua nhiều lãnh thổ. Chính sách phát triển của một quốc gia thượng nguồn có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều quốc gia ở hạ nguồn.

Thu Hà (Theo Newswise)