Chim cánh cụt hoàng đế sẽ giảm 80% vào năm 2100

ThienNhien.Net – Đây là kết luận được rút ra từ một kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Global Change Biology, do Viện hải dương học Wood Holes của Hoa Kỳ (WHOI) hợp tác với Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia Hoa Kỳ (NCAR) và một số tổ chức nghiên cứu quốc tế thực hiện. Nhóm nghiên cứu đã tập trung quan sát quần thể chim cánh cụt hoàng đế ở Terre Adelie và cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ thu hẹp đáng kể quần thể chim cánh cụt ở đây là do sự suy giảm lượng băng ở Nam Cực

Dựa trên các kịch bản dự báo khí hậu và mô hình thống kê về quần thể chim cánh cụt hoàng đế, nghiên cứu này tập trung vào ảnh hưởng của băng tan với các giai đoạn quan trọng của vòng đời chim cánh cụt hoàng đế như đẻ trứng, ấp trứng, nuôi con non, mùa chúng không sinh sản cũng như các ảnh hưởng tiềm tàng của lượng băng đến chim trống và chim mái.

Nhóm tác giả cho biết nghiên cứu của họ có nhiều điểm chưa chắc chắn do tính phức tạp của công tác dự đoán về biến đổi khí hậu và khả năng phản ứng của chim cánh cụt với tình trạng này. Tuy nhiên, hầu hết các mô hình tính toán của họ đều cho thấy sự suy giảm đáng kể của bầy chim cánh cụt ở Terre Adelie, một vùng biển thuộc Nam Cực nơi các nhà khoa học Pháp đã nghiên cứu quần thể chim cánh cụt trong suốt hơn 50 năm qua.

“Hiện nay, quần thể chim cánh cụt hoàng đế có 3000 cá thể. Mô phỏng tốt nhất của chúng tôi cho thấy sẽ chỉ còn khoảng 500 – 600 cặp chim bố mẹ vào năm 2100”, theo Stephanie Jenouvrier, nhà sinh vật học thuộc WHOI. Bà còn cho biết thêm bầy chim cánh cụt hoàng đế Dion Islets nằm ở quần đảo phía Tây Nam Cực đã bị xóa sổ với nguyên nhân chủ yếu cũng được xác định là do băng tan.

Chim cánh cụt hoàng đế ở Nam Cực (Ảnh: EcoClass2010 Blog)

Chim cánh cụt hoàng đế là loài chim cánh cụt có kích thước lớn nhất, cao khoảng 1,2 mét. Chúng rất nhạy cảm với thay đổi về lượng băng vì chúng chủ yếu sinh sản và nuôi con trên băng. Nếu băng vỡ hoặc tan thì việc sinh sản của chúng sẽ gặp nhiều trở ngại. Băng tan còn ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của chúng.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng nếu nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng lên với tốc độ như hiện nay thì quần thể chim cánh cụt hoàng đế đến 2040 chỉ biến động nhẹ, nhưng sau đó giảm nhanh vì lượng băng không đủ cho các hoạt động sống của chúng.

Các tác giả cho rằng cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định liệu chim cánh cụt hoàng đế sẽ thích nghi với sự thay đổi của môi trường ở nơi chúng sống hay cần phải di cư đến các vùng khác.

Công trình nghiên cứu này cho thấy ý nghĩa của việc hợp tác giữa các nhà sinh vật học và các nhà nghiên cứu khí hậu trong công tác đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến các loài sinh vật trên trái đất.