Sớm chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản ở Yên Bái

ThienNhien.Net – Yên Bái là tỉnh miền núi vùng Tây Bắc, có trữ lượng khoáng sản lớn, trong đó, tại huyện Yên Bình và Lục Yên đá vôi trắng chiếm hàng triệu m3, đang được thăm dò, khai thác (TDKT) để xuất khẩu và làm phụ gia cho các ngành công nghiệp.

Đáng lưu ý, việc ồ ạt khai thác, vận chuyển đá vôi trắng dạng block (đá khối) ở đây khiến các đường liên xã, tỉnh lộ 170 xuống cấp nghiêm trọng; gây ô nhiễm môi trường do bụi, tiếng ồn, nhất là bãi thải đổ chưa đúng cho nên khi trời mưa, bùn thải tràn xuống đồng, làm một số diện tích trồng lúa bị nghẽn đòng, mất trắng.

Gần đây, người dân các xã Lâm Thượng, An Phú, Minh Tiến (là ba trong tổng số 11 xã có hoạt động khoáng sản), đồng loạt ngăn cản không cho các doanh nghiệp (DN) vào TDKT, vận chuyển đá vôi trắng, gây mất an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau khi các ông Hoàng Văn Quảng, Nông Thiện Nghiệp ở xã Lâm Thượng đứng đơn khiếu nại cùng 67 hộ dân thôn Nà Kèn gửi đến các cơ quan trung ương và báo chí về việc ồ ạt khai thác khoáng sản trên địa bàn, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân, sau đó ra Văn bản số 1277/UBND-TNMT ngày 21-6-2016 chỉ đạo việc tạm dừng hoạt động giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ thăm dò khu vực đá hoa trắng rộng hơn 100 ha tại đây. Tuy nhiên, thời gian giáp Tết Nguyên đán 2017, các hộ dân nơi này đã kéo tới Đài Phát thanh huyện Lục Yên, phản đối và buộc yêu cầu dỡ băng phát tuyên truyền về hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) trên địa bàn. Đồng thời, một số điểm đang TDKT đá vôi trắng, người dân đã tập trung đông người, kiên quyết ngăn cản không cho DN mở đường, chặn đường tiếp tế nhiên liệu và thực phẩm, tái lấn chiếm diện tích đất đã đền bù… Tỉnh ủy Yên Bái đã tổ chức họp khẩn cấp và thành lập hai tổ công tác trực tiếp về Lục Yên giải quyết tình trạng nêu trên.

Khi đến các khu vực nêu trên, chúng tôi nhận thấy, đây là vùng đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao… sinh sống từ nhiều đời nay; là vùng đang hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. Ông Nông Thiện Học, 76 tuổi, là người có uy tín ở thôn Nà Kèn (xã Lâm Thượng) cho biết: “Người Tày mình ở đây lâu đời nay sống bình yên, đoàn kết, một lòng theo cách mạng, nhiều con em trong xã tham gia phục vụ trong lực lượng vũ trang. Biết ơn Chính phủ nhiều lắm vì đã đầu tư chương trình nước sạch hơn hai tỷ đồng cho hơn 200 hộ ở các thôn Nà Kèn, Bản Trang cùng dân khu trung tâm xã; cánh đồng lúa hơn 10 ha nhờ nguồn nước tưới từ đỉnh Nà Kèn mà đồng bào đủ sống. Nay DN vào khai thác đá khối, thì bà con sẽ ra sao khi mất nguồn nước sinh hoạt và nước tưới cho lúa, chưa kể đá lăn, bụi và tiếng ồn?”.

Tại trụ sở UBND xã An Phú, cán bộ xã chen nhau làm việc ở các phòng chật hẹp, không khí ngột ngạt. Ông Hoàng Thân, 65 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã An Phú bức xúc: “Việc các DN được cấp phép thăm dò, khai thác đá trắng tại đây nếu đúng quy định thì dân chúng tôi không phản đối gì. Các anh đi xe từ đường 170 vào xã dài 16 km mất một giờ, mà đường này dân hiến đất, huy động sức dân đóng góp 90% giá trị công trình, huyện chỉ cho xe lu làm phẳng để đi. Nay các DN cho xe tải trọng đến 50 tấn chở đá khối, phá nát hết đường, trẻ đi học mùa mưa trơn trượt ngã lên ngã xuống, lúc nào cũng phải mang hai bộ quần áo để thay!”. Điều lạ là các DN này chỉ mới có giấy phép thăm dò, nhưng đã mở đường, mở moong khai thác rộng đến 5.000 m2 và đá khối khai thác được ồ ạt đưa đi khỏi địa bàn mà không thấy chính quyền các cấp có ý kiến gì.

Khu vực khai thác đá khối Núi Chuông, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên (Yên Bái).

Trước bức xúc của người dân xã An Phú về hoạt động thăm dò mỏ đá vôi trắng tại núi Bó Nỏ xã An Phú, núi Khau Nghiềm xã Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tạ Văn Long trong đối thoại trực tiếp với dân, đã yêu cầu DN cần thận trọng, tính toán kỹ việc tái định cư cho gần 200 hộ dân sinh sống dưới chân núi; có lợi thì làm, nếu không đủ tài chính thì tạm dừng thăm dò, tránh việc xung đột lợi ích, mất an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời các DN sớm thực hiện Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ dân địa phương bị ảnh hưởng ổn định sản xuất, bởi theo Khoản 2, Điều 5 của nghị định quy định “Khoản hỗ trợ địa phương và người dân được hạch toán vào chi phí sản xuất”. UBND tỉnh Yên Bái “trải thảm đỏ” mời gọi các DN vào làm ăn tại địa phương, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho DN, nhưng cũng kiên quyết xử lý các vi phạm pháp luật đối với mọi tập thể, công dân vi phạm pháp luật, không có vùng cấm.

Trên thực tế, có DN được cấp giấy phép TDKT vào khu vực không đấu giá quyền KTKS, diện tích mỗi mỏ từ vài chục đến hàng trăm ha, cho nên khi tiến hành thăm dò thấy chất lượng đá khối không đủ tiêu chuẩn thì chuyển sang nơi khác. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vạn Khoa Vũ Đình Chiến cho biết: “Đơn vị chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản ở ba xã: An Phú, Phan Thanh, Liễu Đô (Lục Yên). Hiện, việc vận chuyển sản phẩm bằng đường bộ rất khó khăn, đường thủy trên hồ Thác Bà chỉ được sáu tháng khi nước ở cao trình 48 m trở lên. Việc người dân xã An Phú kéo lên mỏ không cho khoan thăm dò, chặn đường không cho tiếp nhiên liệu, thực phẩm, dân tái lấn chiếm diện tích đã giải phóng mặt bằng… đang diễn ra phức tạp, mong chính quyền các cấp vào cuộc quyết liệt, để chúng tôi ổn định sản xuất”. Được biết, Công an tỉnh Yên Bái đã phải cử ba tổ công tác hơn 30 người xuống “ba cùng” tại các xã nói trên, tiến hành phát động phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, ký cam kết bảo đảm an ninh trật tự.

Bảo đảm lợi ích Nhà nước, lợi ích DN đi đôi ổn định cuộc sống người dân khu vực thăm dò, KTKS ở Yên Bái nói chung, huyện Lục Yên nói riêng, cần một giải pháp đồng bộ, có tình, có lý, làm tốt công tác dân vận tại khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Yên Bái cần khuyến khích DN đầu tư chế biến sâu; quy hoạch khu đổ thải tập trung đi đôi xử phạt nặng các đơn vị khai thác xả thải trực tiếp xuống hồ Thác Bà. Mở các bến vận tải đường thủy nhằm giảm tải cho đường bộ qua tuyến liên xã và đường tỉnh, nâng cấp trả lại đường cho người dân các xã bị ảnh hưởng từ việc KTKS.