Ngổn ngang công trình ánh sáng chậm tiến độ, bỏ hoang giữa rừng

ThienNhien.Net – Sau một thập kỷ trải thảm đỏ thu hút đầu tư phát triển thủy điện vừa và nhỏ, giờ đây, phần lớn dự án thủy điện tại hai tỉnh Hà Giang, Cao Bằng vẫn nằm trên giấy. Hàng loạt dự án khác đã được thi công thì chậm tiến độ, phải tạm dừng xây dựng. Thậm chí, có những dự án được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng nhiều năm nay vẫn đang bỏ hoang vì chủ đầu tư có năng lực thuộc loại yếu kém.

Nhà máy thủy điện Tiên Thành xây dựng trên dòng sông Bằng Giang, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Chậm vì năng lực yếu kém

Trong quá trình tìm hiểu về việc quy hoạch phát triển trên địa bàn tỉnh Hà Giang, phóng viên VietnamPlus được biết, ngoài 16 thủy điện đã đi vào vận hành, tại địa phương này hiện có 12 dự án đang và sắp thi công xây dựng với tổng công suất lắp máy là 300,7MW; trong đó 7 dự án dự kiến sẽ phát điện trong năm 2017.

Tuy nhiên, một số dự án hiện nay trên thực tế đang chậm tiến độ so giấy chứng nhận đầu tư gần 10 năm, do bị gặp vướng mắc ​trong giải phóng mặt bằng; việc cung cấp vật tư, vật liệu máy móc thiết bị chưa kịp thời do chủ đầu tư phải nhập từ nước ngoài (Trung Quốc); hay có dự án đang phải điều chỉnh quy hoạch.

Một ví dụ điển hình là thủy điện Bản Kiếng công suất 3,6MW (chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng nông lâm Tôn Thọ). Dự án này được khởi công từ năm 2006, tại địa phận xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên. Hiện dự án này đang phải tạm dừng thi công.

Thông tin về việc dự án thủy điện này, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết, công trình Nhà máy thủy điện Bản Kiếng hiện đang xây dựng dở dang một số hạng mục như: nâng cấp mở mái đường lên hồ đập thủy điện dài khoảng 5km nay đã xuống cấp không sử dụng được; kênh dẫn nước thải nhà máy; công tác đền bù giải phóng mặt bằng…

Ngoài ra, các hạng mục công trình chính của dự án như đập bêtông trọng lực, đường ống áp lực và nhà máy cơ bản cũng chưa được thi công xây dựng. Toàn bộ các hoạt động thi công xây dựng của dự án thủy điện Bản Kiếng đã bị dừng thi công từ đầu năm 2008 đến nay.

Theo ông Sơn, nguyên nhân khiến dự án thủy điện Bản Kiếng phải dừng hoạt động là do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng nông lâm Tôn Thọ không có khả năng bố trí được vốn nên dự án dừng thực hiện đầu tư. Ngoài ra, nội bộ của Công ty này cũng không có sự đoàn kết nhất trí, dẫn đến hiện tượng khiếu kiện lẫn nhau giữa các cổ đông.

Đến tháng 7/2016, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng nông lâm Tôn Thọ kiện toàn lại bộ máy để tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên, ngày 10/4/2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng nông lâm Tôn Thọ tạm dừng mọi hoạt động tập kết vật tư, vật liệu xây dựng, dừng thi công công trình để giải quyết dứt điểm việc thanh toán cho các nhà thầu và hoàn thiện các thủ tục theo quy định của luật đầu tư, luật bảo vệ môi trường…

Dù không có tiềm năng về phát triển thủy điện so với tỉnh Hà Giang, nhưng thời gian qua, Cao Bằng cũng được biết đến như một điểm “nóng” về phát triển thủy điện. Tuy nhiên, bức tranh thủy điện nơi đây được vá víu bởi không ít mảng tối với những công trình chậm tiến độ do lỗi quy hoạch, cấp phép; thi công dang dở, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái và cuộc sống người dân.

Theo Quy hoạch thủy điện nhỏ của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã được phê duyệt tại Quyết định số 2320/QĐ-UBND ngày 16/11/2007, toàn tỉnh có 24 dự án với tổng công suất 120 MW; các dự án được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung điều chỉnh gồm 10 dự án với tổng công suất hơn 206 MW. Hiện nay Sở Công Thương đã đề nghị tỉnh loại 11 dự án ra khỏi quy hoạch.

Còn những thủy điện dù đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đi vào thi công xây dựng từ hơn 10 năm về trước thì nay vẫn đang chậm tiến độ, thậm chí bỏ hoang, gây thất thoát lớn đến nguồn thu của tỉnh Cao Bằng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con nơi thực hiện dự án.

Đơn cử như Nhà máy thủy điện Tiên Thành (15MW) do Công ty Cổ phần Năng lượng Cao Bằng làm chủ đầu tư, được triển khai từ năm 2008, nhưng đến tháng 5/2010 đã tạm dừng thi công. Đây là bậc thang giữa trong 3 bậc thang (3 thủy điện) được xây dựng trên sông Bằng Giang.

Điều đáng nói là, trong quá trình thi công, chủ đầu tư dự án thủy điện Tiên Thành đã xây dựng công trình khi chưa có quyết định thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có phương án đền bù giải phóng mặt bằng; chưa lập và phê duyệt phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng phụ cận…

Sau nhiều năm thi công kiểu“rùa bò,”gần đây, dự án thủy điện Tiên Thành được “bán” lại cho Công ty Cổ phần sông Đà 7.09. Từ cuối năm 2016, dự án này tiếp tục được thi công trở lại, nhưng hiện giờ vẫn chưa có đầy đủ các giấy tờ liên quan như báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Lý giải về việc chậm tiến độ trên, đại diện chủ đầu tư dự án thủy điện Tiên Thành cho biết, do mới mua công trình thủy điện này từ chủ đầu tư khác nên hiện nay công trình dù đang xây dựng nhưng vẫn thiếu một số giấy tờ theo quy định, đặc biệt là báo cáo đánh giá tác động môi trường đang trong quá trình thực hiện.

Tương tự, Nhà máy thủy điện Hòa Thuận (20MW) cùng xây dựng trên sông Bằng Giang, do Công ty Cổ phần Thủy điện Hòa Thuận làm chủ đầu tư, được triển khai từ tháng 6/2006. Theo tiến độ, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 10/2009, nhưng đến tháng 3/2009 đã phải dừng thi công do xảy ra tranh chấp mực nước với dự án Nhà máy thủy điện Tiên Thành. Đến nay, sau hơn 10 năm “ra đời,” dự án vẫn chưa xây dựng xong.

Tại buổi làm việc với phóng viên VietnamPlus vào ngày 22/4/2017, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Hòa Thuận thừa nhận: “Hiện tiến độ xây dựng của nhà máy mới đạt 30%. Trong quá trình triển khai, công trình có làm ảnh hưởng đến hơn 120 hộ dân, trong đó 2 hộ dân phản di dời khỏi lòng hồ, diện tích đất nhường cho thủy điện là hơn 100ha (bao gồm đất rừng và lòng sông, suối).”

Nhà máy thủy điện Hoa Thám đang bỏ hoang tại tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Công trình hàng trăm tỷ bỏ hoang

Oái oăm nhất là dự án thủy điện Hoa Thám (5,8MW) tại huyện Nguyên Bình. Dự án này do Công ty Đầu tư và phát triển Năng lượng Đông Bắc làm chủ đầu tư, triển khai từ năm 2007 và tạm dừng thi công từ tháng 11/2011, do chủ đầu tư thiếu vốn. Từ năm 2004 đến nay, Công ty này đã thay đổi 8 lần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và nhiều lần thay đổi lãnh đạo, giám đốc…

Trước sự trì trệ của dự án, đầu năm 2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã thành lập đoàn kiểm tra, qua đó phát hiện 26 sai phạm. Trong đó, có sai phạm thuộc diện cấm hoạt động xây dựng là chưa được cấp phép xây dựng, xây dựng chưa đúng quy hoạch theo quy định của Luật xây dựng.

Kết luận thanh tra số 2435/KT-UBND ngày 3/9/2015 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng nêu rõ: “Đây là lỗi do chủ quan nhà đầu tư, xuất phát từ năng lực yếu kém; còn có sự thiếu sót của công tác quản lý Nhà nước đối với dự án. Bên cạnh đó, việc lập khối lượng các hạng mục công trình thiếu bảng tiên lượng gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng.”

“Đặc biệt, việc thanh toán giải ngân giữa chủ đầu tư với Ngân hàng phát triển Cao Bằng chưa thống nhất về khối lượng thanh toán; thanh toán còn nhiều sai sót, có khối lượng chưa thực hiện nhưng đã nghiệm thu thanh toán. Trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư và Ngân hàng phát triển Cao Bằng…,” kết luận chỉ ra.

Ghi nhận của chúng tôi vào cuối tháng 4/2017 cho thấy, nhiều hạng mục của Nhà máy thủy điện Hoa Thám vẫn còn đang dở dang như đập bờ trái, đập bờ phải, đập tràn, cửa lấy nước,… Việc công trình bị bỏ hoang nhiều năm cũng đã khiến các thanh thép đã bị han gỉ, một số chỗ đã xảy ra có hiện tượng sụt lún, đất đá tràn xuống sông.

Theo phản ánh của người dân thì từ khi triển khai dự án, nhân dân đã chấp hành việc kiểm định áp giá đền bù đồng thời không sản xuất. Tuy nhiên, xã Hoa Thám là xã nghèo, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào trồng rừng và sản xuất hoa màu, chăn nuôi nên sau khi bị thu hồi đất để thực hiện dự án, nhân dân không còn đất sản xuất nữa khiến cuộc sống khó khăn hơn.

“Khu vực dự kiến ngăn đập để phát điện trước đây có rất nhiều người khai thác vàng trái phép, sau này mới thấy thủy điện xuất hiện, nhưng họ xây ào ào được một thời gian ngắn rồi bỏ hoang 3-4 năm nay. Giờ ở đây chỉ có 2 người bảo vệ thôi,” bà Chu Thị Nãi, người dân xã Hoa Thám thông tin thêm.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Nguyễn Đặng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng cho biết, dự án thủy điện Hoa Thám dừng thi công từ năm 2011. Từ đó đến nay, công trình “dậm chân tại chỗ,“ không tiếp tục thi công nữa. Theo ông Đặng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án chậm tiến độ là một phần cũng là do thiếu vốn.

“Vừa qua, Sở cũng cho rà soát lại xem chủ đầu tư mới có làm được không, nếu không làm được sẽ cho thu hồi dự án. Tuy nhiên, việc thu hồi lại hết sức khó khăn do số tiền nhà đầu tư bỏ ra rất nhiều, nếu thu hồi ai sẽ giải quyết số tiền đó, trong khi 70% số tiền đầu tư xây dựng thủy điện Hoa Thám là nhà đầu tư vay của quỹ Ngân hàng phát triển – VDB,” ông Đặng phân vân.

Còn theo ông Hoàng Xuân Ánh – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng, dự án thủy điện Hoa Thám “dậm chân tại chỗ” là do nhà đầu tư cũ không có năng lực triển khai tiếp nên đã bán lại cho chủ mới, và chủ mới cam kết thực hiện nhưng giờ vẫn chưa thi công.

“Lý do là, họ (chủ đầu tư) viện lý do chỗ xây dựng thủy điện giao thông đi lại khó khăn, giá thành cao, đề nghị được khai thác cát sỏi tại chỗ kết hợp nạo vét lòng hồ để phục vụ cho công trình. Tuy nhiên việc này cần phải xem xét, vì khu vực đó trước tập trung khai thác khoáng sản, cụ thể là khai thác vàng và tỉnh đã cấm.”

“Hơn nữa, đây lại là khu vực đầu nguồn sông Bằng, sông Hiến, nên khai thác sẽ ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước của người dân. Vì thế, nếu có cho phép đơn vị này khai thác thì tỉnh sẽ phải giám sát rất chặt. Tỉnh cũng sẽ có chuyên đề riêng làm việc với Hoa Thám, nếu chủ đầu tư không cam kết xây dựng, tỉnh sẽ thu hồi,” ông Ánh nói./.

“Lạm phát” từ các dự án thủy điện đã và đang dần “giết chết” những con sông vốn là nguồn sinh kế của người dân miền núi. Thậm chí, có thủy điện ở còn “hút kiệt” nguồn nước nội đồng, chậm đền bù thiệt hại, chây ì phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, và gây ảnh hưởng đến du lịch…

Bài tiếp: “Lạm phát” thủy điện: Lợi ích nhỏ, chỉ thấy ảnh hưởng đến dân