Myanmar: Mở rộng nhà máy nhiệt điện có thể “giết” 1/4 triệu người

ThienNhien.Net – Kế hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện tại Myanmar có thể cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người trong hàng chục năm tới.

Đây là cảnh báo được đưa ra trong một nghiên cứu chung của Đại học Harvard và tổ chức Greenpeace, được công bố ngày 4/5.

Theo nghiên cứu trên, các dự án của Chính phủ Myanmar nhằm mở rộng mạng lưới từ 2 nhà máy nhiệt điện hiện có lên tổng cộng 10 cơ sở có thể khiến hàng nghìn người tử vong.

Nghiên cứu ước tính tình trạng ô nhiễm gia tăng do các dự án trên có nguy cơ khiến hơn 7.000 người tử vong sớm mỗi năm và lên tới 280.000 người trong quãng thời gian hoạt động khoảng 40 năm của 8 nhà máy mới và 2 nhà máy hiện nay.

Trong ​​số đó, 50% số người sống ở Myanmar và số người còn lại sống ở các nước láng giềng, chủ yếu tại Thái Lan và Trung Quốc cũng như nhiều khu vực khác ở Đông Nam Á.

Ngoài ra, ô nhiễm sẽ có thể làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, các vấn đề về hô hấp và những bệnh về phổi.

Nhà máy điện 100 MW APR Energy ở Kyaukse, vùng Mandalay, Myanmar (Nguồn: mmbiztoday.com)

Myanmar bị đánh giá là một trong những nước có chất lượng không khí tồi tệ nhất trên thế giới.

Dự báo vấn đề ô nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn khi nền kinh tế này mở cửa sau hàng chục năm.

Theo số liệu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thu thập năm ngoái, 6 thành phố tại Myanmar có chỉ số PM10 (hàm lượng các hạt bụi có đường kính 10mm trong không khí) thậm chí cao hơn cả ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, nơi thường xuyên xảy ra tình trạng khói mù bao phủ.

Dù có trữ lượng khí đốt dồi dào ở ngoài khơi bờ biển Andaman, nhưng Myanmar xuất khẩu đa phần lượng khí đốt, chủ yếu sang Thái Lan và Trung Quốc.

Myanmar coi việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện là kế hoạch trọng tâm của chính phủ, với mục tiêu đến năm 2030 cung cấp đủ điện năng cho toàn bộ dân số nước này gồm hơn 50 triệu người.

Hiện chưa đến 30% dân số Myanmar có nguồn điện ổn định do mạng lưới điện thường bị gián đoạn, trong khi vấn đề thiếu điện năng gây trở ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn: