Rừng dẻ nghìn năm cấp cho dự án sân golf có giá trị thế nào?

ThienNhien.Net – Với tác dụng lớn về mặt phòng hộ và mang nhiều giá trị lịch sử, cảnh quan, khu rừng dẻ nghìn năm tuổi bị cấp cho dự án sân golf ở thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế) được người dân địa phương coi như báu vật.

Ông Hồ Hữu Hứa (thôn Phú Hải) cho biết, khu rừng dẻ phòng hộ gần 64ha ở thôn đã có từ rất lâu đời, nay đã hàng nghìn năm tuổi. Với quan niệm “rừng tàn thì làng mạt”, nên từ trước đến nay, các thế hệ con dân trong thôn luôn coi khu rừng này như báu vật và dốc sức giữ gìn.

Theo ông Hứa, khu rừng dẻ này trải dài trên nhiều km bờ biển của thôn nên là bức bình phong bảo vệ cuộc sống người dân trước gió bão và nạn cát bay lấn chiếm làng xóm, đất nông nghiệp. Nếu khu rừng này không còn thì vào mùa mưa bão, nhà cửa, hoa màu của người dân sẽ bị hư hại.

Rừng dẻ nghìn năm tuổi bị cấp cho dự án sân golf được người dân coi như báu vật (Ảnh: An Sơn)

“Bão Xangshane năm 2006, các thôn khác tại Lộc Vĩnh và nhiều địa phương ven biển khác của huyện bị tàn phá tan hoang. Tại thôn Phú Hải, nhờ có khu rừng dẻ với mật độ cây dày đặc che chắn nên chỉ có vài nhà dân hư hỏng nhẹ”- ông Hứa kể.

Nhiều người cao tuổi ở thôn Phú Hải cho hay, ngoài có tác dụng rất lớn về mặt phòng hộ, khu rừng dẻ này còn có giá trị về mặt lịch sử. Cụ thể, trong thời kỳ chống Mỹ, khu rừng là căn cứ địa cách mạng, giúp bộ đội và người dân lập nên nhiều chiến công hiển hách. “Người dân trong thôn có thể nhường hết đất đai cho dự án, nhưng rừng dẻ thì phải giữ lại bằng mọi giá”- một cụ ông trong thôn nói.

Khu rừng dẻ này có tác dụng phòng hộ rất lớn và mang nhiều giá trị về lịch sử, cảnh quan (Ảnh: An Sơn)

Theo chính quyền thôn Phú Hải, khu rừng dẻ này là rừng phòng hộ đã được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế giao cho cộng đồng dân cư thôn quản lý, bảo vệ theo Quyết định 3208/QĐ-UBND ngày 17.12.2001 và được điều chỉnh giao theo Quyết định 112/QĐ-UBND ngày 16.1.2015 của UBND huyện Phú Lộc.

Vào ngày 25.2.2016, trên cơ sở những tính năng, tác dụng phòng hộ của khu rừng, UBND huyện Phú Lộc có văn bản số 197/UBND-TNMT đề nghị Sở NNPTNT tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế giữ nguyên quy hoạch rừng phòng hộ đối với diện tích rừng dẻ này. Tuy nhiên sau đó khu rừng vẫn được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế điều chỉnh quy hoạch từ rừng phòng hộ thành rừng sản xuất để cấp cho dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô.

Tình trạng này khiến người dân địa phương hết sức lo lắng, bởi khi đã bị chuyển đổi thành rừng sản xuất thì nguy cơ rừng bị phá vì mục đích kinh tế là rất cao. “Đây là khu rừng dẻ ven biển gần như là duy nhất ở miền Trung, cả nước chỉ có 3 khu rừng như thế này. Khi giao rừng cho cộng đồng thôn quản lý, cán bộ ở tỉnh nói đây là “lá phổi xanh”, nhưng giờ “lá phổi xanh” có nguy cơ bị xâm hại vì dự án sân golf”- một người dân thôn Phú Hải bức xúc.

Ông Nguyễn Xuân Bảo – Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết: “Rừng dẻ này rất quý và có tác dụng rất lớn đối với địa phương. Hiện chủ đầu tư dự án chưa có cam kết gì liên quan đến rừng. Chính quyền xã muốn giữ lại rừng dẻ này để phòng hộ, nhưng họ xin được giấy phép đầu tư dự án rồi nên họ có phá thì cũng chịu”.

Trước đó, Dân Việt đã phản ánh việc dư luận tại xã Lộc Vĩnh bức xúc trước tình trạng khu rừng dẻ trên được cấp cho dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Phong Phú Lăng Cô, dẫn tới nguy cơ rừng bị phá.

Theo chính quyền xã Lộc Vĩnh, tổng diện tích dự án (sau khi đã điều chỉnh) là 253ha, trong đó toàn bộ 63,9ha rừng dẻ đều nằm trong diện tích đất cấp cho dự án. Theo lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế, việc chuyển đổi gần 64ha rừng dẻ này thành rừng sản xuất cấp cho dự án sân golf là nhằm phát triển kinh tế, và mặc dù đã nằm trong đất dự án nhưng rừng sẽ không bị phá.

Vào năm 2012, NTNN/Dân Việt đã phản ánh việc khu rừng dẻ phòng hộ này có nguy cơ bị “khai tử” để giành đất cho dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô. Trước thông tin báo đăng, Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế không được phá diện tích rừng trên để làm sân golf. Sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, dự án đã “án binh bất động” một thời gian dài, nhưng gần đây hoạt động trở lại.