Nhiều phát hiện khoa học mới từ những cơn bão lớn ở sa mạc Sahara

ThienNhien.Net – Biến đổi khí hậu khiến số cơn bão mang mưa lớn tới khu vực Sahel tăng gấp 3 kể từ năm 1982 song điều này không hề giúp giảm nhẹ “cơn khát” của vùng đất khô cằn phía Nam sa mạc Sahara này mà thậm chí còn ẩn chứa nhiều nguy cơ.

Trong nghiên cứu mới công bố ngày 26/4, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Môi trường học và Thủy văn sử dụng số liệu quan sát mây bằng vệ tinh từ năm 1982 đến 2016 để theo dõi sự biến đổi của các mô hình bão trong khu vực phía Nam sa mạc Sahara, trong đó bao gồm lãnh thổ của các nước Senegal, Mauritania, Mali, Burkina Faso, Niger, Nigeria, Chad, và Sudan.

Với các số liệu này, các nhà nghiên cứu phát hiện những cơn bão có sức tàn phá lớn còn được biết với tên chuyên ngành là “các hệ thống đối lưu tầng giữa” (mesoscale convective systems – MCS) đã gia tăng tần suất xuất hiện từ khoảng 24 đợt bão trong mùa mưa những năm 1980 lên 81 cơn vào ngày nay.

MCS tại Sahel là những cơn bão có sức tàn phá mạnh nhất trên thế giới.

Ảnh minh họa: shutterstock.com

Các cơn bão cung cấp khoảng 90% lượng nước mưa tại khu vực này, tuy nhiên nhiều bão hơn không nghĩa với nhiều nước hơn.

Theo số liệu của các chuyên gia, mặc dù số cơn bão tăng gần gấp 3 so với trước, lượng nước trung bình hàng năm tại khu vực này vẫn không thay đổi trong ít nhất 15 năm qua.

Nguyên nhân là do mưa càng to, lượng nước bị chảy đi càng nhiều, không thấm được xuống đất để giúp cây cối tươi tốt hơn.

Thậm chí, nước chảy mạnh gây xói mòn tại những vùng đất nông nghiệp vẫn đang trên đà phục hồi kể từ sau đợt hạn hán kỷ lục những năm 1970 – 1990.

Ngoài ra, những thành phố có hệ thống thoát nước lạc hậu cũng sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề từ các cơn bão này.

Các nhà khoa học cũng có một phát hiện đáng ngạc nhiên rằng nhiệt độ hay độ ẩm ở vùng Sahel đều không tăng theo tần suất của những cơn bão.

Mặc dù các nhà khoa học dự đoán hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến các cơn bão trở nên thường xuyên hơn là vì không khí nóng hơn và giữ lượng nước nhiều hơn.

Tuy nhiên, khu vực Sahel đã chứng minh điều này không hoàn toàn đúng khi nhiệt độ khu vực này cao hơn so với nhiệt độ toàn cầu trong khi sa mạc khô nóng lại nằm ngay phía Bắc.

Phát hiện này cho thấy sự thay đổi trong lượng nước mưa không được quyết định bởi sự thay đổi trong nhiệt độ môi trường.

Các nhà khoa học nhận định nếu tình trạng nóng lên toàn cầu không giảm bớt, khu vực nửa khô hạn này sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều những đợt mưa bão có thể gây ngập lụt nhà cửa, đất nông nghiệp cũng như làm bùng phát các loại vi khuẩn chết người tại các quốc gia có hệ thống y tế lạc hậu.

Nghiên cứu mới nêu trên được công bố tại một cuộc họp của Liên minh Địa vật lý châu Âu.

Nguồn: