Tham nhũng đất đai và những lỗ hổng “nhạy cảm”

ThienNhien.Net – Tại Tọa đàm chính sách, pháp luật về đất đai, rất nhiều thông tin “nóng” đã được nêu lên. Điển hình là câu chuyện tham nhũng đất đai và lỗ hổng từ quản lý.

Buổi tọa đàm

Từ khái niệm “sở hữu toàn dân” bị lạm dụng

Theo TS. Hoàng Xuân Lương (nguyên Thứ trưởng UB Dân tộc, GĐ Trung tâm nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc và miền núi), vùng dân tộc thiểu số trải đều trên 62 tỉnh thành. Vùng dân tộc cũng là trọng điểm phát triển của quốc gia (như thủy điện, khai khoáng, trồng các cây nông nghiệp).

Tuy nhiên, chính sách đất đai cho các vùng dân tộc thiểu số lại khá bất cập. Đơn cử vùng Tây Nguyên –  đồng bào dân tộc đang ngày càng bị thu hẹp không gian sinh tồn (!) “Theo tôi, giải quyết đất sản xuất cho dân tộc thiểu số là rất bức xúc – nếu không muốn xảy ra xung đột xã hội” – TS Lương khẳng định.

Cũng theo chuyên gia này, gốc của vấn đề đất đai (kể cả Luật Đất đai 2013) là chưa thể giải quyết được mối quan hệ lợi ích của người dân trong thuật ngữ “sở hữu toàn dân”. Hay nói cách khác, đất đai đang bị lạm dụng trong khái niệm “sở hữu toàn dân” – đó là lợi ích nhóm. Do đó, rất bức xúc phải sửa đổi Luật đất đai 2013.

Về tranh chấp giữa người dân và chủ đầu tư ở các dự án kinh tế, có 2 vấn đề nguồn gốc. Thứ nhất, chúng ta vẫn thiếu cơ chế giải trình và giám sát từ cộng đồng. Nhiều năm qua, khá nhiều các ban giám sát cộng đồng nhân dân được thành lập nhưng thực tế các ban này không làm được gì (không quyền, không tiền). Do đó, người dân (thông qua các ban) không thể giám sát các dự án phát triển kinh tế – đô thị có làm đúng thiết kế, quy định hay không? Mục đích là gì? Thứ hai, thiếu minh bạch về thông tin. Theo luật, lẽ ra người dân có thể dễ dàng tiếp cận chính sách quy hoạch tại địa phương. nhưng thực tế rất khó – mở cửa cho vấn nạn “đi đêm” giữa DN với chính quyền.

TS. Đặng Hoàng Giang

Khi giải quyết các vấn đề đất đai, chúng ta vẫn nặng giải quyết nhiệm vụ của DN, địa phương để thực hiện dự án lớn. Chúng ta chưa quan tâm tới giải quyết quyền lợi cho người dân. Chính sách đất đai cho người dân tộc thiểu số là không thể thực hiện. “Chúng ta đang dùng cái không có để cung cấp cho người dân” – TS.Hoàng Xuân Lương nhấn mạnh.

Tới tham nhũng đất đai

Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền (chuyên gia phân tích chính sách công, UNDP), nghiên cứu về phòng chống tham nhũng trong đất đai (năm 2016) cho thấy ghi nhận những hiện tượng tham nhũng trong mua sắm đấu thầu dự án. Hoặc trong quá trình xây dựng phát triển một dự án KĐ nào đó (bà Huyền nhắc tới vấn nạn “DN chung chi với chính quyền địa phương”).

Ngoài ra, vấn đề gây bức xúc nhất cho dân là không thỏa đáng trong bồi thường diện tích đất bị thu hồi. Đơn cử, bà Huyền ví dụ, 1.000m2 đất chỉ được đền bù tái định cư tại chỗ 100m2 cho gia đình 4 người con chủ yếu sinh nhai bằng canh tác trên 1.000 m2 đất. Điều này, khiến người dân có cảm giác chính quyền thông đồng với nhà đầu tư để thu hồi mảnh đất (có dấu hiệu tham nhũng). “Chúng tôi cũng nghiên cứu, ước lượng những dự án xây dựng phát triển đô thị ở tỉnh có giai đoạn ghi nhận số tiền tham nhũng tính theo đơn vị tỷ đồng” – chuyên gia phân tích chính sách công, UNDP lưu ý.

Lỗ hổng nhạy cảm pháp lý đất đai

Ông Đặng Hùng Võ đặc biệt lưu ý về 3 lỗ hổng lớn nhất hiện nay trong hệ thống pháp luật đất đai.

Thứ nhất, chúng ta vận hành chế độ công hữu đất đai trong cơ chế thị trường là cực kỳ khó. Sở hữu đất đai là công hữu, nhưng chúng ta phải công nhận vận hành quyền sử dụng đất trên thị trường. Chúng ta phải thay thế bằng quyền sử dụng đất. Lỗ hổng nhạy cảm. Từ năm 93, lỗ hổng này đến nay càng rộng. Giá quyền sử dụng đất là rất trừu tượng và thậm chí lệch nhiều so với giá trị mảnh đất mang lại.

Một quyết định hành chính đất đai đẻ ra tiền (ví dụ chuyển mục đích sử dụng đất). Đó là nguồn cơn của rủi ro tham nhũng. Một quyết định hành chính chỉ là tạo thuận lợi cho thực hiện pháp lý. Ngược lại, quyết định hành chính đẻ ra tiền sẽ tạo ra cơ chế không có lợi cho quản lý. Luật đất đai 2013 cho thấy, chúng ta còn tăng quyền lực nhiều hơn cho cơ quan quản lý. Đó là sai lầm của cách tiếp cận của Luật đất đai 2013.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ

Thứ hai, là cơ chế bồi thường đền bù tái định cư. Bồi thường hỗ trợ tái định cư chưa hình thành. Đến năm 1993, ta dùng tiêu chí nhà nước thu hồi đất để phục vụ những trường hợp thực sự cần thiết như quốc phòng, an ninh – một tiêu chí rất “đẹp”. Giữa tiêu chí đẹp với thực tế lại luôn vênh nhau. Tới năm 2003, chúng ta rành mạch hơn trong việc công bố mục đích thu hồi đất. Đã xác định rõ tiêu chí nào là vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Không có chuyện dùng đất quốc phòng để kinh doanh mà gọi đó là đất quốc phòng.

Thứ ba, những dự án mà chủ đầu tư trực tiếp thương thảo với dân. Cứ thu hồi được 80% là vấp phải quan điểm rằng giá thu hồi kém xa giá thị trường.

Luật 2013 chọn phương án nghiên về cơ chế Nhà nước thu hồi đất nhiều hơn (cứ có quy hoạch, Nhà nước thu hồi đất và thực hiện dự án). Tạm hiểu,chúng ta chưa có kinh nghiệm trong đền bù bồi thường tái định mà đã đưa vào Luật, là lỗ hổng cực lớn.

Kết lại, GS Đặng Hùng Võ tỏ ra rất tâm đắc với quan điểm rằng “đích của quản lý đất đai phải là tạo điều kiện cho người dân sử dụng đất đai hiệu quả nhất”.