Đạo đức của kẻ quản gia

ThienNhien.Net  – Quản gia là một người làm công ăn lương, là người thay mặt gia chủ hoặc đại diện cho gia chủ xử lý các loại công việc khác nhau, bao gồm cả việc quản lý tài sản và tài chính của gia chủ. Trong kinh tế, lãnh đạo của một công ty, một tập đoàn cũng là một loại quản gia, là người được giao quyền đại diện cho các cổ đông quản lý công ty, quản lý khối tài sản của những người góp vốn. Một quản gia tốt, một quản gia có đạo đức là người hành động vì lợi ích của gia chủ chứ không phải là vì lợi ích của cá nhân mình. Một lãnh đạo có năng lực là người sẽ giao lại một khối tài sản lớn hơn cho người kế nhiệm so với khối tài sản nhận được từ người tiền nhiệm.

Tương tự, trong lĩnh vực môi trường, sinh thái nhân văn, các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo và mỗi cá nhân trong một thời đại không phải là chủ nhân thực sự mà chỉ là người nhiếp chính, người đại diện cho thế hệ này và những thế hệ mai sau quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn là năng lượng cho phát triển và cho sự trường tồn của của con người và muôn loài trên trái đất. Và như thế, một nhà lãnh đạo có đạo đức phải đảm bảo cho bằng được rằng cá nhân họ và những cá nhân thuộc thế hệ này sẽ không hy sinh cơ hội của những thế hệ mai sau bằng cách vắt cho đến kiệt nguồn tài tài nguyên đang tạm thay quyền quản lý vì lợi ích của riêng mình.

chú Voi Jun, bị mắc bẫy và được người dân cứu. Hiện Jun đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk.
Chú Voi Jun, bị mắc bẫy và được người dân cứu và đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk (Ảnh: WWF Việt Nam)

Nhìn từ góc độ quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, thế giới dường như đang chứng kiến một thế hệ quản gia thiếu trách nhiệm. Những giếng dầu hoạt động hết công suất ngày đêm ở Trung Đông, Nam Mỹ khiến trữ lượng dầu thế giới chỉ còn đủ dùng cho dưới 60 năm nữa. Những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn Amazon bị triệt hạ đến mức đáng báo động với gần 20% diện tích bị phá huỷ trong vòng 40 năm qua, nhiều hơn cả diện tích rừng bị phá huỷ trong vòng 450 năm trước đó. Những ống khói mọc lên như rừng ở Trung Quốc, thải vào tự nhiên một lượng khí độc lớn đến mức không một lá phổi nào chịu nổi, cho dù đó là lá phổi của những cánh rừng mưa nhiệt đới. Thuỷ điện mọc lên trên khắp các dòng sông, làm nhạt dần màu xanh và sức sống của những đồng bằng bao la ở dưới hạ lưu. “Tất cả các dòng sông đều chảy” giờ đã là chuyện của những thế kỷ trước cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Những hoạt động mang tính huỷ diệt nhân danh phát triển như thế không chỉ vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên mà còn góp phần kéo gần lại với thế hệ này một tương lai đáng lo ngại hơn nhiều. Trái đất đang nóng dần lên, đặc biệt là từ lúc cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu trên phạm vi toàn thế giới. Phân tích của NASA cho thấy nhiệt độ trái đất đã tăng 0,8oC kể từ năm 1880 và 2/3 mức tăng này xuất hiện chỉ trong vòng vài chục năm trở lại đây, cụ thể là từ 1975 với tốc độ từ 0,15 đến 0,2oC mỗi thập kỷ. WWF dẫn nguồn từ nhiều cơ quan nghiên cứu, trong đó có Uỷ ban Liên quốc gia về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cho thấy tuỳ theo kịch bản và quyết tâm của thế giới nhiệt độ trái đất sẽ tăng thêm từ 1.1°C đến 6.4°C vào cuối Thế kỷ 21.

Việc trái đất tăng thêm một vài độ C có thể chưa đủ để làm cho cư dân trung lưu thành thị quan ngại. Cùng lắm thì bấm thêm vài cái trên điều khiển điều hoà hay tăng thêm công suất của một vài loại máy móc. Thế nhưng tăng hay giảm một vài oC là thay đổi ở mức đe doạ đối với tự nhiên, thay đổi điều kiện sống của hàng trăm nghìn loài đang sống trên trái đất. Vô số loài chim sẽ không cảm nhận đúng thời điểm để bắt đầu di cư hay đẻ trứng. Vô số loài khác nếu không kịp tiến hoá và điều chỉnh sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trên diện rộng. Thời tiết cực đoan, ngập lụt, sa mạc hoá sẽ khiến những vùng có thể sống được trên trái đất thu bị hẹp lại với tốc độ chóng mặt. Và rồi hàng triệu người sẽ nhập vào làn sóng tỵ nạn môi trường vốn đã khởi đầu với quy mô lớn từ vài chục năm nay.

Nói đến tàn phá môi trường và vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam có lẽ không phải là nước dẫn đầu, nhưng chắc chắn không nằm trong nhóm những nước đi sau. Tham vọng phát triển nhanh và “mệnh lệnh” đáp ứng nhu cầu của hơn 90 triệu dân trong điều kiện trình độ khoa học, công nghệ yếu kém là cái cớ để người Việt tận dụng mọi cơ hội để khai thác triệt để và sử dụng “thô” nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có. Thế nhưng trong số các lý do được viện dẫn để biện minh cho việc tàn hại môi trường với cường độ cao như hiện nay còn một lý do khác mà người ta có vẻ như đang cố né tránh, đó là lòng tham và trách nhiệm của những kẻ đang làm quản gia, tức là những người đang thay mặt thế hệ tương lai sử dụng và quản lý phần tài sản do thiên nhiên ban tặng chung cho con người và muôn loài.

Trong những năm gần đây, vấn đề môi trường luôn nóng dần lên trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong công chúng Việt Nam và dường như chưa từng có dấu hiệu hạ nhiệt. Vấn đề thuỷ điện trên khắp các lưu vực sông Việt Nam, thuỷ điện cắn vào vườn quốc gia chưa kịp lắng xuống thì lại đến vấn đề phá rừng ở Phú Quốc. Hôm trước dư luận vừa phản đối việc mở đường xuyên qua Vườn quốc gia Nam Cát Tiên thì hôm sau đã lại có dự án mở đường xuyên Vườn quốc gia Bạch Mã. Cách đây không lâu, dư luận nóng lên với đề án tỷ đô Giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện dọc sông Hồng mà theo Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định Đầu tư (Bộ KH&ĐT) thì “ý kiến của các bộ ngành, địa phương về dự án đồng thuận khá cao”. Không rõ người ta đồng tình với “tỷ đô” hay với đề án.

Đợt hạn hán kỷ lục ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long gây thiếu nước, hạn mặn và ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh kế của hàng triệu người dân là một cảnh báo về những hậu quả mà con người có thể sẽ phải gánh chịu trong tương lai gần nếu cứ tiếp tục phá rừng, khai thác tài nguyên và phát triển bừa bãi các công trình có khả năng tàn phá thiên nhiên như hiện nay. Nguyên nhân hạn hán vẫn được quy cho El Nino. Thôi thì cứ bỏ qua câu hỏi “Việt Nam có làm gì để gây ra El Nino không” thì người ta vẫn phải đặt câu hỏi về tác động của phá rừng đầu nguồn, phá rừng ngập mặn, khai thác nước ngầm, khai thác cát thiếu kiểm soát và phát triển các hồ chứa cả thuỷ lợi lẫn thuỷ điện tràn lan trên khắp các nhánh sông Mekong.

Vài năm trước, nhiều địa phương ồ ạt chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao-su làm giảm diện tích rừng và suy thoái môi trường. Riêng tại 5 tỉnh Tây Nguyên, quy hoạch phát triển cao-su đến năm 2020 đã lên đến 343.890 ha, cao bất thường so với quy hoạch của Chính phủ (280 nghìn ha cho 5 tỉnh Tây Nguyên). Có đến “79% diện tích trồng mới cao-su được phát triển trên diện tích đất rừng tự nhiên, và không phải toàn bộ diện tích này đều là rừng nghèo kiệt”[1]. Có vẻ như người ta đã lạm dụng chủ trương của Chính phủ và một bộ tiêu chí dễ bị lợi dụng về xác định rừng nghèo kiệt để triệt phá rừng. Chẳng hạn như với tiêu chí trữ lượng gỗ của tất cả các cây có đường kính tại vị trí 1,3 mét trên mặt đất từ 08 cen-ti-mét trở lên dưới 50 m3/ha đối với rừng gỗ lá rộng thường xanh” cộng với biên độ sai số cho phép trong điều tra rừng, lật một chút sang trái là giữ được rừng, lật một chút sang phải là được gỗ. Ranh giới của một người quản gia có trách nhiệm và một kẻ quản lý vụ lợi khá mong manh. Những thông tin môi trường như thế, một lần nữa đặt lại câu hỏi về cái tâm, cái tầm và chuẩn mực đạo đức của những kẻ quản gia.

Khái niệm quản gia, hiểu theo nghĩa rộng, sẽ bao gồm không chỉ các nhà quản lý mà còn mỗi một cá nhân đang sống và sử dụng tài nguyên trong thời đại này. Nói như thế để nhấn mạnh rằng bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên không chỉ là đứng ở bên ngoài và hướng ngón tay chỉ trích vào các nhà quản lý. Bảo vệ tài nguyên đòi hỏi những hành động cụ thể và hiệu quả của từng người dân, từng doanh nghiệp, của toàn xã hội, trong đó các nhà quản lý là những người phải chịu trách nhiệm cao nhất trước thế hệ này và các thế hệ sau.

Bảo vệ và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên phải là một trong những tiêu chuẩn đạo đức của những quản gia có trách nhiệm và có lương tâm của thế hệ này. Bảo tồn không có nghĩa là lúc nào cũng phải đặt một hàng rào bảo vệ quanh tài nguyên thiên nhiên và giữ nguyên trạng tài nguyên bằng mọi giá. Những người làm công tác bảo tồn và các nhà bảo vệ môi trường cũng không phản đối việc khai thác tài nguyên ở mức độ chấp nhận được để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Một nhà quản lý, một quản gia có năng lực cần xác định đúng đâu là “mức độ chấp nhận được”. Trên thực tế, Việt Nam và thế giới không thiếu kiến thức chuyên môn, công cụ, phương tiện kỹ thuật để xác định “mức độ chấp nhận được” này. Một quản gia có trách nhiệm sẽ kiên quyết không cho phép khai thác tài nguyên xa hơn mức độ chấp nhận được đấy. Một quản gia có đạo đức sẽ cố gắng hết sức mình để chuyển giao cho thế hệ mai sau một môi trường sống với lượng tài nguyên nếu không nhiều hơn thì cũng phải gần bằng với mức tài nguyên mình từng tiếp nhận từ thế hệ trước.

Người Việt có câu “đời cua của máy, đời cáy cáy đào”. Cách nghĩ này này có thể là một triết lý sống chấp nhận được vào thời điểm nó được sinh ra, khi tài nguyên thiên nhiên còn phong phú và dân số chưa đủ nhiều để tạo áp lực lên tài nguyên. Triết lý này cũng chỉ chấp nhận được nếu đời trước còn để lại cho đời sau đủ tài nguyên để sống, để phát triển, nhưng đây chắc chắn sẽ là một trong những triết lý sống vô trách nhiệm nhất của thời đại này nếu như cua đang máy đến mức không còn gì cho cáy để đào.

Trần Lê Trà, Trưởng phòng Chính sách của WWF-Việt Nam


[1] http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/moi-truong/item/21305902

Nguồn: