Nhếch nhác những bô rác giữa lòng thành phố

ThienNhien.Net – Mỗi ngày, TPHCM phát sinh gần 8.000 tấn rác sinh hoạt. Con số này sẽ còn lớn hơn, khi dân số TP ngày một gia tăng. Thế nhưng, một nghịch lý đang diễn ra là số lượng trạm trung chuyển rác (gọi là bô rác) ở TPHCM lại… không tăng. Chẳng những không tăng, những bô rác nằm rải rác trên địa bàn TP vẫn chưa được nâng cấp đúng chuẩn, dẫn đến ngày càng nhếch nhác, gây ô nhiểm môi trường đường phố, trở thành nỗi kinh hoàng đối với người dân…

Ổ vi trùng, ô nhiễm, hôi hám…

Điển hình là bô rác nằm ngay ngã ba đường Quang Trung – Tân Sơn (quận Gò Vấp). Đối diện bô rác này là một trường học. Theo anh Lê Văn Trúc – người dân sống tại phường 8, quận Gò Vấp: “Không rõ bô rác hình thành từ lúc nào, nhưng hơn 10 năm nay, bô rác đã chình ình tại ngã ba này và gây ô nhiễm trầm trọng khu vực này. Chẳng những bô rác lấn cả ra đường, cản trở giao thông; điều đáng nói, bô rác là nỗi sợ của hàng trăm học sinh, giáo viên trường tiểu học đối diện, vì hàng ngày phải hít, ngửi mùi hôi ô nhiễm từ bô rác”.

Anh Trúc cũng cho biết thêm, rất nhiều người dân, báo chí phản ánh cần phải dẹp bô rác, nhưng vẫn không thấy xoay chuyển gì. Tương tự, ngay giữa trung tâm quận 1, khu vực Công viên 23.9, ít nhất cũng phải có 3 – 5 bô rác lớn nhỏ khác nhau đã và đang trở thành nỗi kinh hoàng của người dân. Đơn cử là bô rác tại đầu đường Hai Bà Trưng – kế vòng xoay tượng đài Trần Hưng Đạo. Hàng ngày, rác của khu vực 2 phường Bến Nghé và Bến Thành được tập kết về đây, sau đó mới bốc dỡ lên xe và vận chuyển về các xí nghiệp xử lý rác.

Ông Phạm Lê Nghĩa (ngụ phường Bến Nghé) cho biết: “Đây là khu vực trung tâm sang trọng nhất TPHCM. Tuy nhiên, trạm trung chuyển rác này đã khiến cho bộ mặt trung tâm TP thêm nhếch nhác. Hàng ngày, trưa- chiều, xe chuyên dùng đến ép rác liên tục, mà lượng rác vẫn không giảm. Rác đổ tràn cả ra đường, mùi hôi nồng nặc vương vãi cả khu vực, thật kinh tởm, không thể chịu nổi”.

Trong lúc đó, ở khu vực đường Phạm Ngũ Lão và Lê Lai, cũng ít nhất từ 3-4 bô rác lộ thiên ngay giữa trung tâm TP. Hàng ngày, dòng người đi ngang, ai cũng phải bịt mũi tránh xa…

Nhận xét về tình trạng các bô rác lộ thiên nhếch nhác này, anh Lê Văn Thiện – công nhân thu gom rác thuộc Cty TNHH Dịch vụ công ích quận 1 – nói: “Chúng tôi biết sự nhếch nhác, hôi hám của các bô rác đang gây ô nhiễm cho đường phố, người dân… Nhưng biết làm sao, khi mà điểm tập kết, trung chuyển rác không có đất riêng. Vì vậy, đành phải tận dụng chỗ trống, vỉa hè; thậm, chí, lấy cả từng mét vuông đất trống ở những công trình công cộng như trạm chờ xe buýt, lề đường, hay vỉa hè công viên.v.v… làm nơi tập kết rác, trước khi vẫn chuyển rác về nhà máy xử lý. Dân có mắng chửi, người đi đường phàn nàn, chúng tôi đành chịu và cố gắng dọn dẹp hết mức sao không phiền toái mọi người thôi. Biết làm sao bây giờ?!”.

Bác sĩ Trương Quang Bình – công tác tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM – nói: “Rất nhiều vi trùng, vi khuẩn có trong rác thải. Một khi các bô rác – trạm trung chuyển rác – trong nội thành TP chưa được cải thiện, thì đó chính là những ô phát tán vi trùng, vi khuẩn ra môi trường, hết sức nguy hiểm cho sức khỏe của người dân”.

Ai đi ngang qua các bô rác cũng phải bịt mũi, vì hôi hám nồng nặc (Ảnh: C.H)

Nâng cấp trạm trung chuyển rác, vẫn chưa có lối ra

Báo cáo của Sở Tài nguyên – Môi trường (TNMT)  TPHCM cho biết: Toàn TPHCM có 31 trạm trung chuyển rác (tức bô rác), nhưng trong đó chỉ có 5 trạm đạt tiêu chuẩn, 13 trạm đã được cải tạo sơ bộ và 13 trạm còn lại chỉ hoạt động mang tính chất cầm chừng. Tuy nhiên, theo một chuyên gia môi trường, thì con số 31 trạm trên, là chỉ tính những bô rác trọng điểm. Còn nói nôm na các bô rác đại trà, thì toàn TPHCM phải là 500 bô rác.

Ông Nguyễn Minh Hòa – chuyên gia về đô thị học thuộc Trường ĐH KH-XH-NV TPHCM – cho rằng: “Một TP, mỗi ngày cho ra gần 8.000 tấn rác thải sinh hoạt; vậy mà chỉ có 31 trạm trung chuyển rác. Trong đó, lại có tới 5 trạm không đạt chuẩn. Đây là điều đáng lo ngại. Bởi, muốn có một đô thị sạch sẽ, văn minh, hiện đại, thì không thể không chăm chút, đầu tư cho vấn đề bảo vệ môi trường. Việc chăm chút, cải tạo các bô rác là một việc nhỏ trong công tác này, nhưng hết sức quan trọng, không thể bỏ qua”.

Ông Phạm Hồng Cầu – Tổng GĐ Cty TNHH Xây dựng  và Kinh doanh nhà Đại Phúc – phát biểu: “Một trạm trung chuyển rác phải bảo đảm các tiêu chuẩn như: vị trí thuận lợi, bảo đảm an toàn, thông thoáng về mặt giao thông. Thiết kế xây dựng bảo đảm mỹ quan, được cách ly với khu dân cư bởi cây xanh. Tiếp nhận 60-200 tấn rác/ngày (nội thành). Sử dụng công nghệ tiên tiến để ép chất thải. Quá trình hoạt động không gây tiếng ồn, mùi hôi, khói bụi… Bảo đảm các giải pháp xử lý nước thải, bụi, mùi hôi, tiếng ồn… Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, các trạm trung chuyển rác ở TPHCM hầu như khó đạt tiêu chuẩn tất cả các quy định trên. Có trạm đạt tiêu chuẩn này, nhưng lại không đạt tiêu chuẩn kia…”.

Theo quy định, diện tích tối thiểu để xây dựng một trạm trung chuyển rác là 500 m2. Song, toàn TPHCM, mới chỉ có 5 trạm là đạt tiêu chí trên. Điều quan trọng là phải có sự đầu tư của nhà nước về quỹ đất, vốn đầu tư… Hiện tại, những yêu cầu này đối với công tác cải tạo các bô rác đều gặp khó, chưa có lối ra…
Theo Sở TNMT, lượng rác phát sinh ở TPHCM bình quân là 5%/năm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ – Phó GĐ Sở TNMT – cho biết: “Cái khó khăn nhất của TP hiện nay là làm gì để tăng số lượng trạm trung chuyển rác, khi mà quỹ đất dành cho trạm trung chuyển rác ở nội thành đang ngày càng eo hẹp? Chưa nói, việc cải tạo các trạm trung chuyển cũng đang gặp khó, khi mà các trạm trung chuyển rác hiện thời đang phải ăn theo một số địa điểm như trạm chờ xe buýt, công viên, vỉa hè, trường học… Song, ngành TMMT cũng như các đơn vị đang làm công tác bảo vệ môi trường như: Cty TNHH MTV Môi trường – Đô thị,  các Cty dịch vụ công ích.v.v… vẫn nỗ lực trong phạm vi hoạt động, năng lực hiện có, để không ngừng nâng cấp, cải tạo các trạm trung chuyển, giữ gìn vệ sinh, sao tránh gây phiền hà cho người dân”.

Tại cuộc họp với Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong gần đây, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng:  Để xử lý tình trạng ô nhiễm tại các bô rác trong nội thành TPHCM, TP phải vạch hẳn một lộ trình. Trước mắt, ở những bô rác quá tải và gây ô nhiễm nghiêm trọng, cần phải đóng cửa và điều chuyển rác đi nơi khác. Bên cạnh đó, TP phải đầu tư vốn cho các đơn vị đảm nhận công tác xử lý rác, để cải tạo, sửa chữa và hiện đại hóa trang thiết bị máy móc thu gom rác. Mặt khác, phải quy hoạch quỹ đất cho các bô rác, nhằm đạt tiêu chuẩn của một trạm trung chuyển rác.v.v… Ngoài ra, sẽ đưa ra phương án điều chỉnh thời gian, cung đường cũng như tăng cường xe chuyên dụng để vận chuyển rác phát sinh, không để tồn đọng lại ở trạm trung chuyển.