Thái Nguyên: Dừng khai thác khoáng sản tại Dự án hồ Trại Mới

ThienNhien.Net – UBND tỉnh Thái Nguyên vừa có văn bản yêu cầu Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Từ chấm dứt mọi hoạt động tại khu vực thực hiện Dự án nạo vét hồ Trại Mới, xã Phú Lạc, huyện Đại Từ.

Trong bài viết “Thái Nguyên: Yêu cầu tạm dừng vận chuyển đất nghi cao lanh ra khỏi dự án”, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh: Sau khi được giao thi công Dự án nâng cấp, sửa chữa lòng hồ Trại Mới và hồ Đầm Vầu tại xã Phú Lạc, huyện Đại Từ, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Từ đã lơ là việc thực hiện dự án mà tập trung vào khai thác và vận chuyển đất sét cao lanh đem bán. Thậm chí, những tháng cuối năm 2016, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Từ còn thỏa thuận mua lại một số ruộng của dân để khai thác đất sét cao lanh. Quá trình khai thác diễn ra rầm rập suốt ngày đêm, tiếng máy xúc, xe vận chuyển ảnh hưởng trầm trọng tới môi trường sống và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Quá trình khai thác còn tạo ra nhiều hố sâu, rộng, ảnh hưởng tới việc sản xuất canh tác nông nghiệp của người dân.

Một khối lượng sét nghi cao lanh lớn đã được tập kết và vận chuyển ra ngoài.

Tìm hiểu vụ việc, được biết: Ngày 30/8/2016 UBND huyện Đại Từ đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng và sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện năm 2016, trong đó có Dự án nâng cấp, sửa chữa lòng hồ Trại Mới, xã Phú Lạc, huyện Đại Từ tại Quyết định số 6249/QĐ-UBND; phê duyệt Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình tại Quyết định số 10762/QĐ-UBND ngày 13/10/2016; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình nâng cấp, sửa chữa lòng hồ Trại Mới, xã Phú Lạc, huyện Đại Từ tại Quyết định số 10866/QĐ-UBND ngày 24/10/2016.

Theo đó, Ban Quản lý thủy nông huyện Đại Từ đã ký Hợp đồng thi công xây dựng công trình với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Từ thực hiện Dự án nâng cấp, sửa chữa lòng hồ Trại Mới tại Hợp đồng số 23/HĐ-XD-2016 ngày 26/10/2016. Theo thiết kế, nhà thầu được phép nạo vét phần diện tích 2,5ha (còn 1,4ha là phần diện tích cũng thuộc trong lòng hồ, dân tranh thủ sản xuất/cấy lúa khi nước không ngập). Tuy nhiên, đơn vị thi công đã “thỏa thuận” với dân để khai thác đất sét cao lanh từ phần diện tích này, phần diện tích 2,5ha (cần nạo vét) hiện mới chỉ khơi mương thoát nước, làm khô bùn…

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Từ “thỏa thuận” mua lại một số ruộng của dân để khai thác đất sét cao lanh.

Sau khi nhận được phản ánh của dư luận, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các Sở: Công thương, Xây dựng, UBND huyện Đại Từ lập đoàn kiểm tra thực địa. Để xác định chất lượng sét tại khu vực nạo vét, Đoàn cũng đã tiến hành lấy 02 mẫu tại hố thứ nhất và 02 mẫu tại hố thứ hai (gồm 01 mẫu nâu vàng, 01 mẫu mầu xám xanh, 01 mẫu loang lổ, 01 mẫu màu xám trắng) gửi về Trung tâm phân tích thí nghiệm địa chất tại km9 đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội để phân tích.

Trong khi chờ kết quả phân tích của đơn vị chức năng chuyên ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cũng đã có văn bản yêu cầu đơn vị thi công tạm dừng vận chuyển lượng sét nghi cao lanh ra khỏi khu vực dự án và giao việc giám sát, chỉ đạo quản lý trực tiếp cho UBND huyện Đại Từ.

Ngày 10/3/2017, xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 403/STNMT-KS ngày 27/2/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản số 831/UBND-CNN về việc dừng thu hồi khoáng sản tại khu vực thực hiện Dự án nạo vét hồ Trại Mới, xã Phú Lạc, huyện Đại Từ. Văn bản nêu rõ: Chấm dứt mọi hoạt động thu hồi, tận thu đất sét tại khu vực thực hiện Dự án nâng cấp, sửa chữa lòng hồ Trại Mới, xã Phú Lạc, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Quản lý, bảo vệ khối lượng đất sét đang tập kết tại khu vực. Đồng thời việc tận dụng, thu hồi, vận chuyển khối lượng đất sét tại khu vực chỉ được thực hiện sau khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép”.

Việc vào cuộc và xử lý của chính quyền và ngành chức năng tại Thái Nguyên rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng sự chậm trễ đã khiến một khối lượng lớn khoáng sản bị lợi dụng thực hiện dự án đưa đi tiêu thụ, gây thiệt hại cho nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân.