“Vương quốc” nghiến khổng lồ cuối cùng bị tàn phá:

ThienNhien.Net – Theo tìm hiểu, điều tra của chúng tôi trong dăm năm qua, khắp các vương quốc nghiến lừng danh từ VQG Ba Bể, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Bắc Cạn), cho đến Na Hang (Tuyên Quang), sang khu bảo tồn, rừng đặc dụng ở Bắc Mê, Phong Quang, Bát Đại Sơn (Hà Giang), sang các huyện Thông Nông và Nguyên Bình của Cao Bằng, tiếp mãi đến vùng Tủa Chùa, Điện Biên… – tất cả các vựa nghiến được xếp vào hàng báu vật thiên nhiên đều bị khai thác trái phép.

Kỳ cuối: Tam thập lục kế… giết rừng

Những huyền thoại của thiên nhiên phía Bắc Việt Nam bị ăn cắp và phung phí.

Rừng bị phá, làm “báo cáo” là xong!

Khi báo chí và cơ quan điều tra vào cuộc, rừng yên tiếng cưa máy và tiếng cây đổ được một thời gian, sau rồi thì đâu cứ vào đấy. Nhiều người cấu kết với nhau để phá, đến nỗi lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn từng thẳng thắn trả lời báo Lao Động: Kẻ phá rừng chính không phải là người cầm cưa, cầm dao cầm rừu, nó đi xe Lexus, mặc comple, xách theo va li tiền đô chỉ đạo từ xa. Có khi chính cán bộ được giao giữ rừng lại bắt tay hoặc bảo kê cho lâm tặc phá rừng. Nhưng khi rừng bị mất, không hề quy trách nhiệm được cho những người giữ rừng hoặc cán bộ địa phương khi họ vô tình hay cố ý bảo kê, “tiếp tay” để mất di sản rừng. Thế là, đôi khi họ cứ để mặc rừng bị mất, rồi làm báo cáo, rồi kêu khó kêu khổ, thế là hòa cả làng.

Lâm tặc không bị bắt hoặc được tạo điều kiện để không bị bắt. Đầu tháng 3 năm 2007, khi chúng tôi trực tiếp đưa ra những hình ảnh về phá rừng ở huyện Bắc Mê (Hà Giang) – cả một công xưởng cưa xẻ đốn hạ gỗ, mùn cưa vàng nâu mênh mông, các thân gỗ quánh đặc đường kính cả mét – thì ông Nguyễn Trung Kiên, Hạt trưởng Rừng đặc dụng ở địa phương cũng chỉ thở dài: “Chúng tôi sơ hở, chúng tôi sẽ làm báo cáo, gửi cả cho nhà báo”. Hết.

Vì không thật sự “đóng cửa” được rừng đặc dụng, khu bảo tồn, vườn quốc gia, nên vẫn có tình trạng bà con xâm nhập khai thác lâm sản. Trong khi, lực lượng chức năng quá mỏng, việc buông lỏng quản lý là khó tránh khỏi. Ở Na Hang, rừng đặc dụng giao cho một hạt kiểm lâm quản lý, có kiểm lâm viên phụ trách tới 6.000 ha rừng. Chỉ với cái xe máy cà tàng, đi được một khúc đường núi thì vứt lại, anh cán bộ phải đi bộ tuần rừng ngày nọ qua ngày kia. Ăn ngủ trong rừng nhiệt đới chằng chịt tối om, muỗi vắt rắn rết kinh khủng. Người bản xứ thì đi bộ như sơn dương, họ lẩn lút trong rừng cực khó phát hiện. Ngả một cây có cả trăm triệu đồng, cắt một khoanh nghiến lớn dày 10cm đã có bạc triệu, trong khi dân quá nghèo; rất khó để thuyết phục họ không vào rừng.

Chúng tôi đi theo một cựu lãnh đạo xã Sơn Phú, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, đi hai mũi, mỗi mũi trọn một ngày trong rừng già. Đi qua các thớt gỗ tươi nguyên, các gốc cây còn ứa nhựa thơm lừng vì vừa bị lâm tặc đốn hạ. Nhiều cây gỗ quý, kiểm lâm địa phương còn lấy bút xóa màu trắng viết: “Đã kiểm tra”, ngày bao nhiêu bao nhiêu. Chúng tôi cứ thắc mắc: tại sao các cây nghiến đường kính gần 2m này bị chặt hạ rồi vứt chỏng chơ trong rừng, trong khi, giá trị nó tương đương một cái ô tô? Mãi sau này mới hiểu, cứ bỏ đó, nghiến như miếng thép nguội, ngày càng rắn chắc. Đến một ngày, nó mang vẻ mặt vô tội lên “mót” cây “gỗ mục” bị đổ trong rừng. Năm nay chưa an toàn thì sang năm nó lên xẻ”.

Đi tiếp vào rừng già, ven con suối trong veo. Gỗ nằm la liệt, có tấm đã mục cả phần vỏ. Nhiều cây vừa bị chặt. Đặc biệt là những khoanh gỗ được xẻ hình thớt nằm chềnh ềnh án ngữ cả dòng suối. Nhiều cây gỗ lớn đến mức, nó bắc qua hai bờ suối lớn, như một cây cầu đĩnh đạc. Lâm tặc ngả cây lớn để làm cầu bắc qua suối mà vận chuyển gỗ. Ngả cây nghiến vài trăm năm tuổi, thấy bụng gỗ rỗng, làm thớt không hiệu quả, nó vứt bỏ, vác cưa máy, rèo rèo 10 phút, “ăn thịt” thêm cây nữa làm “của để dành”. Chủ tịch UBND xã Sơn Phú, ông Triệu Tiến Phin, thở dài: “Xã có 6.000 ha rừng đặc dụng, 3.000 ha rừng sản xuất, 2.000ha rừng phòng hộ. Rừng nhiều. Họ cắt cây nghiến lớn kia, rồi để đó chờ cơ hội. Có khi vài năm nó mới lấy ra, lâu lâu nó lại vào lấy ra một miếng. Rừng thì nó khoanh gốc, đẽo thân cho chết dần dà rồi mới ngả, mới phát nương chiếm đất”.

Tại Bắc Mê, Hà Giang, những cây nghiến đại thụ vừa bị xẻ thịt trước khi chúng tôi xuất hiện không lâu, tháng 3 năm 2017.

Lời nói thật treo trong lõi rừng

Anh Khổng Văn Quang, Hạt trưởng Kiểm lâm Rừng Đặc dụng Na Hang (Tuyên Quang) bảo, “mỗi lần chứng kiến rừng bị phá, tôi trở về, đều mất ngủ vì tiếc. Tôi bao giờ dám tắt máy điện thoại di động. Nghe điện thoại reo lúc nửa đêm là toát mồ hôi hột vì lo “họ lại lấy nghiến rồi”.

Chúng tôi chứng kiến những súc gỗ nghiến vuông vức và nhẵn thín do quá trình vần, lật, khênh, ném dọc con đường dài dằng dặc từ rừng già về đến nơi… bị bắt. Đi đường lòng hồ, đi đường sông, đi đường bộ, đi trên vai người, đi trên xe máy. Cả những chiếc ô tô 9 chỗ được tháo hết ghế ra để chở thớt nghiến, đang bị thu giữ ở kiểm lâm Na Hang, suốt bấy lâu nay mà chưa ai đến nhận. Xe máy thì toàn không giấy tờ, thu cả trăm chiếc, thỉnh thoảng lại thanh lý vài chục cho người mua sắt vụn. Những gian nhà chất ngất thớt nghiến tang vật. Nhiều phom sập gỗ nghiến liền khối rộng hơn 1-2m, dài dăm bảy mét, dựng thênh thang ở sân hạt kiểm lâm. Nhìn vào đó, đủ thấy rừng giàu thế nào và rừng bị phá thảm khốc ra sao.

Rừng cứ liên tục bị phá. Lý lẽ con voi chui lọt lỗi kim, câu hỏi về trách nhiệm và sự bảo kê của người gác rừng vẫn liên tục được đặt ra. Chính lãnh đạo kiểm lâm địa phương cũng xác nhận dư luận ầm ĩ về sự “móc nối” với lâm tặc ở lực lượng của mình.

Tại sao hơn 150m3 gỗ nghiến bị xẻ ở khu rừng đặc dụng Phong Quang (Hà Giang) mà cơ quan chức năng không khởi tố điều tra (trong khi quy định là 5m3 đã đủ điều kiện)? Lý do mà chủ rừng đưa ra, là cứ khởi tố rồi không tìm được thủ phạm, lại hủy, mất uy tín và nhờn luật mất. Liệu các kho gỗ nghiến hàng trăm mét khối vừa bị bắt ở cả một hệ thống 5 kho chứa (dìm giấu cả dưới ao) của doanh nghiệp tư nhân Sơn Tùng ở huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang vừa qua, đúng là có sự bắt tay của cán bộ với lâm tặc như tiết lộ của người trong cuộc với chúng tôi hoặc là như báo chí đã đặt vấn đề không?

Tại Tuyên Quang, rừng nghiến giàu có ở Chiêm Hóa đã được các nhà báo ghi nhận: giữa ban ngày ban mặt, các xe máy chở mấy chục cái thớt nghiến, cao ngất ngưởng như làm xiếc, chạy ào ào trên đường. Ở Thông Nông, tỉnh Cao Bằng, bà con vác nghiến xẻ thành tấm như con kiến tha cả con chuồn chuồn; các thiếu nữ buộc dây đai quanh khúc gỗ nghiến, đeo vào hai vai đem sang bên kia biên giới. Họ cứ làm, cứ cười nói rôm rả giữa ban ngày. Nhưng cán bộ không thấy có mặt, và khi nhà báo phỏng vấn thì vẫn hồn nhiên nói rừng… không bị phá.

Kiểm lâm và PV LĐ với một cây nghiến cổ thụ được bảo vệ an toàn
Mỗi cây nghiến là một bảo tàng thiên nhiên kiên cường trên núi đá
Một cây nghiến khổng lồ bị cưa hạ ở vị trí mà từ đó có thể nhìn thấy UBND xã Sơn Phú, huyện Na Hang ngay dưới chân

 

Những bộ sập nghiến rộng hàng mét được kiểm lâm Na Hang thu giữ hiện nay
Sau khi bị cưa hạ, cây nghiến này đã được kiểm lâm kiểm kê rất bài bản

Với giá chợ đen lên tới vài trăm triệu đồng một cây, việc bảo vệ rừng nghiến cổ thụ vô cùng khó khăn

Ngày tận diệt được báo trước

Ông Nguyễn Trung Kiên, hạt trưởng ở Bắc Mê (Hà Giang) vừa xót xa vì được xem nhiều hình ảnh rừng bị thảm sát, vừa nhớ lại: ít năm trước, rừng gỗ đinh ở Na Hang, Bắc Mê này nhiều lắm, giờ gần hết rồi. “Chúng tôi lập chốt bảo vệ rừng ở trong lõi rừng, đi bộ 7 tiếng từ ngoài đường mới vào đến nơi. Nhưng chúng lâm tặc cứ đi vào rừng, thấy chúng tôi xuất kích là nó… đi ra. Lúc nó phá thì tự chế thiết bị giảm thanh cho cưa máy, rất khó phát hiện”, một kiểm lâm cay đắng tiết lộ. Kiểm lâm đi ban ngày, vào cửa rừng đã có “chim lợn” phát hiện báo cho đồng bọn tẩu tán. Cán bộ leo mấy tiếng mới qua được một rông núi, nó cứ đi bộ cán bộ cũng chả đuổi nổi. Cán bộ đi ban đêm lại cầm cả đèn pin thì lâm tặc càng dễ theo dõi ngược để chơi trò “chuột vờn mèo”.

Ở Na Hang, có vụ, lâm tặc ngả gỗ nghiến giữa rừng, bị kiểm lâm phát hiện, anh ta bỏ chạy thì ngã trên núi đá xuống. Đang ôm cưa máy mà ngã, thế là gẫy chân. Cả nhóm kiểm lâm đẵn rừng, làm cáng, khiêng anh ta vượt núi non hiểm trở bệnh viện huyện chữa trị. Dọc đường, họ cho dân bản, con cái ra gây gổ “đánh tháo” đồng bọn. Kiểm lâm phải rút súng tuyên bố “chúng tôi cứu người vì lý do nhân đạo, không có ý gì khác”. Vậy mà lúc ở viện, anh ta đã bỏ trốn, truy nã đến giờ chưa tìm thấy…

Chẳng lẽ, bao giờ rừng cổ thụ cứng như thép nguội kia lùi vào trong cổ tích, lúc đó, phá rừng kiểu tinh ranh của chuột mới chấm dứt?

Tỉnh ủy Tuyên Quang đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm và huyện Na Hang kiểm tra thực địa, báo cáo khẩn cấp. Sau khi Báo Lao Động đăng phóng sự “Vương quốc” nghiến khổng lồ cuối cùng bị tàn sát” (kỳ 1, số ra ngày 13.3.2017), cùng ngày, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm và huyện Na Hang kiểm tra thực địa, báo cáo khẩn cấp. Ngay lập tức, đoàn cán bộ hơn 20 người gồm công an, quân đội, kiểm lâm, nhiều cán bộ xã đã về xã Sơn Phú vào rừng già đến hiện trường. Đoàn đã phát hiện những gốc nghiến còn lại sau các cuộc chặt hạ, đặc biệt, đoàn công tác cũng tìm ra chính cây nghiến khổng lồ mà báo Lao Động đăng kèm trong phóng sự. Theo nguồn tin từ lực lượng vừa từ hiện trường về, cây nghiến đó có đường kính gốc khoảng 1,1m. Chiều cùng ngày, qua điện thoại, ông Vân Đình Thảo, Bí thư Huyện ủy Na Hang cũng xác nhận các nội dung tương tự với PV Lao Động. P.V