ThienNhien.Net – Trên địa bàn tỉnh Hà Nam, nhiều doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà không thực hiện đúng quy trình, giải pháp bảo vệ môi trường đã cam kết, gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn, ảnh hưởng đến môi trường sức khỏe người dân.
Là tỉnh có số lượng khoáng sản dồi dào phong phú, chính vì vậy, số lượng DN cấp phép hoạt động khai thác, chế biến và vận chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn Hà Nam rất lớn. Tuy nhiên, qua số liệu thanh tra cho thấy, tình trạng DN vi phạm quy định pháp luật về môi trường vẫn diễn ra khá phổ biến.
Tháng 10/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có Kết luận số 3902/KLTTr-BTNMT việc chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Qua đó, Bộ kiến nghị tỉnh Hà Nam chấn chỉnh tình trạng vi phạm về môi trường tại 20 DN.
Tháng 12/2016, sau 3 năm, Bộ TN&MT thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 3902/KLTTr-BTNMT thì phát hiện 10/20 DN vẫn chưa chấp hành các quy định của pháp luật, không nghiêm túc thực hiện kiến nghị của cơ quan thanh tra.
Đơn cử: Chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư sông Đà – Việt Đức chưa nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính, khai thác vượt công suất, thực hiện giám sát môi trường định kỳ không đúng quy định, thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường không đúng quy định, không thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa báo cáo xác nhận hoàn thành công trình xử lý về môi trường, biện pháp bảo vệ môi trường trước khi đi vào vận hành chính thức, không bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại theo đúng quy định, chuyển giao đất thải nguy hại cho đơn vị không có chức năng xử lý.
Công ty Cổ phần Khoáng sản Lộc Hạ khai thác không đúng theo thiết kế mỏ, lắp đặt thêm 1 trạm nghiền công suất 120 tấn/giờ nhưng không được nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa báo cáo xác nhận hoàn thành công trình xử lý môi trường, biện pháp bảo vệ môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức.
Theo Bộ TN&MT, Công ty Cổ phần Khai thác, chế biến khoáng sản Thông Đạt thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường không đúng quy định đối với mỏ Thung Bầu, chưa thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ và cải tạo mỏ Đồng Cân và Thung Bầu, chưa lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết cho khu vực văn phòng và chế biến đá công suất 350 tấn/giờ.
Công ty TNHH Xuân Tường không thực hiện giám sát môi trường theo đúng quy định đối với khu vực mỏ Bầu Quanh, chưa báo cáo xác nhận hoàn thành công trình xử lý môi trường, biện pháp bảo vệ môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức đối với mỏ Bầu Quanh, không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với khu vực mỏ Đồng Cần theo quy định, không lập dự án cải tạo phục hồi môi trường đối với mỏ Đồng Cân…
Điểm qua một vài DN khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Nam có thể thấy, suốt 3 năm qua kể từ khi Bộ TN&MT ban hành kết luận, nhiều DN vẫn tiếp tục vi phạm, phớt lờ các quy định của pháp luật về môi trường.
Rõ ràng, UBND tỉnh Hà Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức tới việc thực hiện kết luận thanh tra của bộ ngành, vẫn còn biểu hiện buông lỏng quản lý trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn để tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường vẫn xảy ra khá phổ biến.
Được biết, đầu năm 2016, Thanh tra tỉnh Hà Nam công bố kết quả thanh tra toàn diện việc thực hiện chính sách pháp luật đối với 7 DN khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thì hầu hết các DN đều có vi phạm. Riêng về môi trường và đất đai, 3 đơn vị chưa có biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn chưa được thu gom, chưa đăng ký chủ nguồn thải nguy hại với cơ quan quản lý Nhà nước. Một số đơn vị chưa ký đủ quỹ phục hồi môi trường. Thậm chí, đoàn thanh tra phát hiện đơn vị khai thác ngoài ranh giới mỏ được cấp, làm mất một số mốc và không khôi phục lại…
Ghi nhận thực tế tại một số khu vực khai thác đá trên địa bàn tỉnh Hà Nam, phóng viên mục sở thị tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề, đặc biệt các xe tải vận chuyển vật liệu xây dựng gây khói bụi, tiếng ồn gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân trên địa bàn.
Người dân nhiều lần bức xúc gửi đơn thư đến các cấp chính quyền của tỉnh Hà Nam, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.