Lời giải nào cho “bài toán” đổ trộm phế thải?

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, nạn đổ trộm phế thải liên tiếp diễn ra tại một số địa bàn quận, huyện của Hà Nội. Mới đây nhất, ngày 16/2, Cục Cảnh sát Môi trường đã phát hiện 4 xe tải chở 3.000m3 chất thải đổ trái phép lên ruộng lúa của người dân thôn Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội. Có thể nói, sau một thời gian “im hơi lặng tiếng”, tình trạng đổ trộm phế thải lại diễn ra ngày một tinh vi, táo tợn. Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng cần có biện pháp răn đe mạnh tay hơn với loại tội phạm này.

Vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”

Liên quan đến 4 xe tải chở chất thải đổ trái phép ở thôn Đồng Bụt, theo ước tính ban đầu, diện tích ruộng bị các đối tượng đem chất thải rải, đổ trải rộng khoảng 1ha. Qua đấu tranh khai thác, bước đầu cơ quan chức năng xác định, số chất thải này được vận chuyển từ khu vực bãi rác thải Mễ Trì đến thôn Đồng Bụt. Có thể nói, hành động ngang nhiên đưa chất thải đến xả trái phép, vùi lấp cả hoa màu của người dân bộc lộ sự táo tợn của loại tội phạm môi trường này.

Không chỉ xảy ra ở khu vực ngoại thành, nạn xả thải còn âm ỉ diễn ra ngay tại Thủ đô. Đặc biệt, ít ngày gần đây nhiều người dân bày tỏ bức xúc khi lưu thông qua cầu Vĩnh Tuy vào sáng sớm. Các phương tiện lưu thông thời điểm này vướng phải những vệt bùn đất, phế thải xây dựng… rơi vãi gây trượt ngã, tiềm ẩn nguy hiểm.

Điển hình là ngày 8/2 một đoàn xe chở phế thải đi qua cầu theo hướng quận Hai Bà Trưng – Long Biên đã để lại một vệt đất bùn dài khoảng 50m trên mặt cầu Vĩnh Tuy. Cũng theo phản ánh, sau khi gây ra sự việc, các lái xe này nhanh chóng rồ ga bỏ chạy. Ngoài ra, ngay khu vực bãi sông Hồng, hướng quan sát sang khu vực Bát Tràng những xe đổ trộm phế thải cũng âm thầm hoạt động. Phế thải được các đối tượng xả ngay tại hành lang bảo vệ an toàn đê.

Riêng về công tác xử lý hành vi xả, đổ phế thải trái phép, dù các ban, ngành chức năng đã khá tích cực kiểm soát song tình trạng vẫn tái diễn. Chẳng hạn, trong tháng 9/2016, các tổ công tác thanh tra giao thông – xây dựng quận Hoàng Mai đã kiểm tra, mật phục, phát hiện, xử lý gần 100 vụ vi phạm trật tự giao thông, xây dựng. Trong đó, có tới gần 50% số vụ vi phạm liên quan đến đổ rác, phế thải xây dựng tại nơi không được phép. Tương tự, cùng khoảng thời gian trên, lực lượng chức năng quận Hà Đông cũng phát hiện, xử phạt gần 200 vụ với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.

Khách quan nhìn nhận, nguyên nhân khiến “phế thải tặc” liên tục tái diễn một phần xuất phát từ việc phối hợp thiếu đồng bộ giữa các ban, ngành. Chẳng hạn, khi xe vận chuyển trên đường, nếu vi phạm về che đậy, mui bạt… thì đơn vị chịu trách nhiệm xử lý là Thanh tra GTVT, Cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, khi bắt quả tang đối tượng đổ trộm để xử phạt thì nhiệm vụ lại giao cho Cảnh sát môi trường, Thanh tra xây dựng xử lý. Nói cách khác, hiện việc quản lý, xử phạt nạn đổ trộm phế thải thuộc rất nhiều ngành, bao gồm Thanh tra GTVT, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường, Thanh tra xây dựng, trong đó chịu trách nhiệm chung là Sở Xây dựng Hà Nội.

Ngoài ra, Hà Nội hiện như một đại công trường với hàng nghìn công trình xây dựng lớn, nhỏ, trong đó có hàng trăm dự án khu đô thị mới… kéo theo đó là các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, vận chuyển phế liệu, phế thải xây dựng. Và để giám sát toàn bộ các công trường xây dựng trên, xem xét họ đổ phế thải có đúng quy hoạch hay không để bắt quả tang là một vấn đề hoàn toàn không dễ. Cũng dễ hiểu vì sao, tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội, những hồ, đầm, ao chưa được xây dựng kè chắn, đường bao luôn là địa điểm lý tưởng để các đối tượng đổ trộm rác, phế thải. Hơn nữa, do tính chất hoạt động phức tạp của các đối tượng vi phạm, việc xác minh biển kiểm soát của xe để bắt quả tang và truy tận gốc vi phạm rất khó khăn.

Cần xử lý từ gốc

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện mỗi ngày đêm, Hà Nội phát sinh gần 5.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, riêng khu vực các quận, thị xã là 3.200 tấn, còn lại là trên địa bàn các huyện, với khối lượng trên 2.000 tấn. Mặc dù phát sinh nhiều nhưng tỷ lệ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt vào các khu xử lý tập trung chỉ đạt gần 3.900 tấn, tương đương 72%.

Theo tính toán của các viện quy hoạch xây dựng Hà Nội, đến năm 2030, lượng chất thải rắn phát sinh ở Hà Nội đạt 11,3 nghìn tấn mỗi ngày đêm. Nếu con số phát triển theo đúng sự tính toán này thì nó sẽ trực tiếp gây áp lực lên hạ tầng đô thị.

Xoay quanh câu trả lời cho “bài toán” xử lý tận gốc nạn đổ trộm phế thải, có thể thấy hiện việc phát hiện, xử lý vi phạm trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao một phần do thủ đoạn đối phó tinh vi của đối tượng vi phạm. Mặt khác, do lực lượng chức năng còn mỏng, địa bàn rộng, nhiều tuyến đường ít người qua lại nên nạn đổ lén phế thải rất khó bắt quả tang. Hơn nữa, chế tài để xử phạt các đối tượng đổ trộm phế thải vẫn còn nhẹ chưa đủ sức răn đe.

Thiết nghĩ, thời gian tới, bên cạnh sự phối hợp của các ngành chức năng, cần phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Khi cấp giấy phép xây dựng phải có sự ràng buộc, cam kết yêu cầu nhà thầu đổ phế thải đúng nơi quy định và có điều khoản xử phạt nếu không thực hiện.

Về lâu dài, với lượng chất thải, đặc biệt là chất thải rắn cần được phân loại, tận thu tối đa và xử lý bằng công nghệ tiên tiến. Để làm được điều này, các ban, ngành liên quan cần sớm đẩy mạnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư, khuyến khích xã hội hóa và có kế hoạch thực hiện với lộ trình cụ thể.

Theo khoản 2 Điều 11 Chương II quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn TP Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 16/2013/QĐ-UBND ngày 3/6/2013 của UBND TP Hà Nội thì các tổ chức, các hộ gia đình, cá nhân làm phát sinh rác thải xây dựng phải có biện pháp bảo vệ môi trường, không làm phát tán bụi bẩn, ô nhiễm môi trường, không sử dụng hè phố, lòng đường, nơi công cộng làm nơi lưu trữ chất thải rắn xây dựng; phải ký hợp đồng với đơn vị vệ sinh môi trường để thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng về đúng nơi quy định của thành phố. Nhưng thực tế, các hộ gia đình, cá nhân có chất thải xây dựng đều thuê tư nhân vận chuyển. Vì lý do lợi nhuận, các cá nhân này đều không đưa đến bãi tập kết theo quy định của thành phố mà đổ trộm bừa bãi ra đường phố gây bụi và ô nhiễm môi trường