Đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học hồ Gươm trước khi cải tạo

ThienNhien.Net – Mới đây, Công ty thoát nước Hà Nội đề xuất phương án cải tạo hồ Gươm trong 69 ngày. Theo đánh giá chung thì đây là việc cần làm, tuy nhiên còn nhiều ý kiến lo ngại cải tạo hồ Gươm sẽ làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam về vấn đề bảo vệ hệ sinh thái như thế nào khi cải tạo hồ.

Hồ Gươm vừa mang nhiệm vụ điều hòa khí hậu, vừa mang tính chất văn hóa – tâm linh và đa dạng sinh học, bảo vệ một số loài quý hiếm như Rùa hồ Gươm…

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về giá trị sinh học của hồ Gươm?

Hệ sinh thái của một hồ thường bao gồm: nước, đáy, lưu vực, sinh vật và đa dạng sinh học (ĐDSH), do đó bất cứ sự can thiệp nào cũng đều có tác động, có thể theo hai hướng: Tốt lên hoặc xấu đi. Thông thường tốt lên thì ít, vì thường người ta thực hiện bảo vệ hệ sinh thái còn nếu có thay đổi mà không nghiên cứu thì sẽ có hại ít hoặc hại nhiều.

Về hồ Gươm, gốc gác thì đây là một đoạn của sông Hồng xưa kia được xây dựng thành hồ ở trung tâm thành phố. Đây là một hồ đặc biệt, vừa mang nhiệm vụ điều hòa khí hậu, vừa mang tính chất văn hóa – tâm linh và đa dạng sinh học, bảo vệ một số loài quý hiếm như Rùa hồ Gươm…

Hồ Gươm có giá trị sinh học rất lớn với nhiều loài đặc hữu. Bởi đây là hồ chưa bao giờ được nạo vét, hồ có những loài tảo đặc hữu, 1 số loài tảo mà nơi khác không có. Nhiều nhà khoa học cho rằng, chính nhờ những loại tảo đó mà sinh ra màu lục thủy của nước hồ như mọi người đang thấy. Đặc biệt, đây là nơi sinh sống của “cụ rùa”. Mặc dù “cụ” rùa hồ Gươm đã mất nhưng theo một số nghiên cứu thì hiện ở hồ vẫn còn một vài “cụ” rùa khác. Đây cũng là điểm đáng lưu ý dù chưa có số liệu cụ thể.

GS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam.

Nhiều ý kiến lo ngại việc cải tạo hồ sẽ làm “chết” hệ sinh thái. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Thực tế hiện nay, nước hồ Gươm đang bị ô nhiễm, không ai dám xuống hồ lội vì bị ngứa, bốc mùi. Do đó, việc cải tạo nước hồ Gươm là cần thiết và đây là điều các nhà khoa học đều mong muốn.

Trước đây, chúng ta đã từng có ý định cải tạo hồ Gươm, khi ấy cụ Rùa vẫn còn sống nên cũng lo ngại đến sức khỏe của “cụ”. Cách đây 4 năm, một đơn vị của Đức đã hỗ trợ hút bùn cải tạo hồ Gươm trong 1 năm và đã thực hiện được 8ha trong tổng số diện tích hồ nhưng sau đó do một số vấn đề nên không thực hiện tiếp được. Tuy nhiên, phần hồ cải tạo đó có chất lượng tốt và sức khỏe “cụ” rùa vẫn tốt. Do đó, tôi đánh giá cải tạo hồ Gươm là cần thiết nhưng cần thực hiện từ từ, phải làm sao để nước hồ trong sạch và vẫn phải đảm bảo ĐDSH, không làm tổn thương đến các loài trong hồ.

Để nước hồ sạch mà vẫn bảo tồn được các loài, theo ông cần thực hiện những gì?

Theo tôi, trước khi thực hiện bất cứ việc cải tạo nào tại hồ Gươm, cần thực hiện hai việc: phân tích chất lượng nước hồ và nên có điều tra, xây dựng dữ liệu về ĐDSH ở hồ Gươm. Xem xét có những loài sinh vật nào hiện đang sinh sống và loài nào cần bảo tồn để có biện pháp can thiệp.

Trong những yếu tố can thiệp đầu tiên của cải tạo hồ phải là nạo vét đất bùn. Quá trình nạo vét tôi đề xuất cần thực hiện từ từ, dần dần từng bước một để không gây ảnh hưởng lớn. Đặc biệt cần chú ý, hồ Gươm có loài tảo lục rất quý nên khi nạo vét cần lấy một số giống tảo lục đem nuôi, khi nạo vét xong thì sẽ thả về hồ để duy trì hệ sinh thái.

Trước đây, đơn vị của Đức đã thực hiện gạt lớp hồ trên sau đó mới nạo vét bùn ở dưới, sau đó thả lại bùn, ép thành phân bón. Tất cả việc này được thực hiện bằng máy tự động, nạo vét phần bùn dưới nhưng vẫn giữ lớp bùn trên nên mức độ ảnh hưởng ít. Đồng thời, họ thực hiện luân phiên, chia vùng, chia ô nên hồ vẫn có nước, có sinh vật và bùn. Nhưng nay, nếu chúng ta thực hiện nạo vét bằng công cụ thô sơ thì khó có thể làm được.

Trong quá trình thực hiện cần có sự tham gia của các nhà khoa học, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sữa chữa kịp thời.

Trân trọng cảm ơn ông!