Số phận Dự án quặng sắt Thạch Khê: Nỗi ám ảnh mang tên Formosa

ThienNhien.Net – Trong ít ngày nữa, Bộ Công thương sẽ có báo cáo mới nhất liên quan đến Dự án Khai thác và Tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi đưa ra quyết định chính thức.

Hai ngả

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cho hay, trong tuần tới, Bộ Công thương sẽ có báo cáo chính thức lên Thủ tướng Chính phủ các vấn đề liên quan đến Dự án này để đưa ra quyết định chính thức.

“Bộ Công thương đã thực hiện xong các phần công việc được Chính phủ giao. Hiện nổi lên là yêu cầu của địa phương về vấn đề môi trường khi thực tế có xảy ra trường hợp Dự án Formosa ở ngay cạnh”, ông Hoài nói và cho biết, Chính phủ sẽ đưa ra quyết định chính thức đối với Dự án này.

Mặt bằng hiện tại mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh). Ảnh: S.T

Trước đó, Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 10/2016 có yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương hoàn thành thủ tục, đảm bảo tiến độ khởi công Dự án Khai thác và Tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê ngay trong quý I/2017.

Tuy nhiên, vào tháng 11/2016, tỉnh Hà Tĩnh – nơi đặt Dự án, đã đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu kỹ, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục và nội dung Dự án; làm rõ năng lực nhà đầu tư, nguồn vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế- xã hội; quy hoạch công nghệ, kỹ thuật khai thác, chế biến; thị trường tiêu thụ sản phẩm, tuyển dụng nhân sự, chuyển đổi nghề cho lao động địa phương, các giải pháp cụ thể về bảo vệ môi trường tại Dự án.

Đặc biệt, Kết luận số 09/KL-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng nhấn mạnh, khi chưa đáp ứng được đầy đủ các nội dung nêu trên thì chưa khởi động lại Dự án.

Ngược thời gian, Dự án được phê duyệt lần đầu tại Quyết định số 23/QĐ-HĐQT ngày 24/11/2008 của Công ty cổ phần Mỏ Thạch Khê (TIC), với tổng mức đầu tư 9.932 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng đất là 3.898 ha. Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án cũng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường  phê duyệt tại Quyết định số 2332/QĐ-BTNMT ngày 7/11/2008.

Song, quá trình triển khai Dự án phê duyệt năm 2008 cho thấy một số vấn đề không còn phù hợp cần xem xét điều chỉnh lại và Chính phủ đã có Thông báo số 164/TB-VPCP chỉ đạo tạm dừng để bổ sung các tài liệu, vấn đề liên quan.

Dự án điều chỉnh lại đã được Bộ Công thương chủ trì thẩm định và được Chính phủ thông qua tại Văn bản số 8467/VPCP-KTN ngày 10/10/2013. Dự án điều chỉnh cũng đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh; Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam góp ý.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Đề án cải tạo phục hồi môi trường của Dự án điều chỉnh đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 1753/QĐ-BTNMT ngày 23/9/2013.

Theo phê duyệt của HĐQT TIC, Dự án điều chỉnh có tổng mức đầu tư là 14.512 tỷ đồng (trong đó giai đoạn I là 6.777 tỷ đồng và giai đoạn II là 7.739 tỷ đồng). Diện tích sử dụng đất là 4.821 ha, gồm 3.898 ha đất liền và 923 ha lấn biển.

Thiết kế kỹ thuật Dự án điều chỉnh được Bộ Công thương chủ trì thẩm định từ tháng 4/2015 đến tháng 3/2016, với 3 phiên họp Hội đồng thẩm định. Công ty CBM (Đức) cũng đã được Bộ Công thương lựa chọn trở thành tư vấn độc lập để thẩm định thiết kế kỹ thuật.

Cổ đông mong chờ

Ông Phạm Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Khoáng sản Luyện kim Thăng Long – cổ đông sáng lập TIC cho hay, Dự án hiện đã hoàn tất các thủ tục pháp lý theo đúng theo quy định của Chính phủ và các cơ quan chức năng yêu cầu, sẵn sàng để triển khai lại.

“Dự án đã giải phóng được 865,8 ha mặt bằng, bóc đất tầng phủ được 12,7 triệu m3 và nộp ngân sách 241 tỷ đồng là quyền khai thác mỏ, dù chưa khai thác gì”, ông Hùng nói. Theo ông, có một số giấy phép như nổ mìn và vật liệu nổ phải xin phép sở, ngành tại tỉnh Hà Tĩnh trong năm  2016. Lúc đó lại vào đúng thời điểm xảy ra sự kiện Formosa nên địa phương dị ứng với vấn đề này.

Đại diện cho phần vốn góp của Vinacomin, ông Nguyễn Quốc Hưng, Tổng giám đốc TIC cho hay, bản chất Dự án Khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê và Dự án thép Formosa khác nhau hoàn toàn. “Vấn đề môi trường trong Dự án mỏ sắt Thạch Khê là bụi, trồng cây, cải tạo phục hồi môi trường để phủ xanh các bãi thải; nước thải từ moong ra cũng là nước ngọt sẽ được xử lý lắng trong và có tái sử dụng, không liên quan đến xử lý hóa chất”, ông Hưng nói.

Chia sẻ mối lo ngại của địa phương, ông Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, quan ngại của tỉnh Hà Tĩnh là đúng, vì đã có câu chuyện tại Dự án của Formosa. Tuy nhiên, trên cơ sở thực tế và tài liệu đã được thực hiện, cần phải khẳng định rằng, TIC đã chuẩn bị hồ sơ kỹ, đáp ứng được các yêu cầu của Nhà nước về kỹ thuật, môi trường và có hiệu quả kinh tế.

TS. Katrin Bromme đến từ đơn vị tư vấn độc lập, Công ty CBM cũng cho hay, nhiều công ty của Đức quan tâm và sẵn sàng đầu tư vào Dự án này vì tính khả thi rõ ràng. “Một dự án khó thì cần được làm cẩn thận trên các mặt, chứ không nên thấy khó khăn thì đóng cửa hay không quản lý được là cấm. Như vậy sẽ không phát triển được. Dự án cần làm cẩn thận, có quan trắc kỹ và nếu tiếp tục phát hiện ra các thay đổi thì tiếp tục xử lý”, TS. Katrin Bromme nói và cho rằng, khi đã đầy đủ các thủ tục pháp lý, Dự án nên sớm đưa vào khai thác.