Nếu như trước đây, phân voi chỉ có thể bỏ đi hoặc ủ làm phân bón thì mới đây, một nhóm nghiên cứu của Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã thành công sản xuất giấy từ phân voi.
Voi là động vật thường ăn cỏ và rau củ, phân voi khi tiết ra sẽ vón thành cục, đa phần là xơ. Trước đó, chất thải này chỉ bỏ đi hoặc ủ làm phân bón. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 2-2022, tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn (Quận 1, TP.HCM), chất thải voi được nhóm nghiên cứu của anh Mai Khắc Trung Trực (Giám đốc Xí nghiệp động vật Thảo Cầm Viên Sài Gòn) thu gom để dùng sản xuất giấy.

Theo anh Trực, việc sản xuất giấy từ chất thải voi đã được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu và thực hiện, thế nhưng ở Việt Nam, việc làm ra giấy từ phân động vật là một khái niệm hoàn toàn mới.
Để đưa ra được những thành phẩm đầu tiên, anh Trực và nhóm nghiên cứu của mình phải mất nhiều tháng tự mày mò, tìm hiểu. Dù những tờ giấy từ phân voi đầu tiên chưa được hoàn thiện, tuy nhiên, tất cả quy trình đều được nhóm nghiên cứu làm thủ công và không hề có hóa chất.
“Quy trình tạo ra giấy từ phân voi khá phức tạp. Đầu tiên cần phải vệ sinh sạch phân voi, sau đó nấu lên rồi phơi khô. Nguyên liệu sau khi khô sẽ xay nhuyễn với bột giấy và bột năng để tạo chất kết dính. Sau đó mình lại tiếp tục se giấy và phơi khô… Mỗi tờ giấy từ phân voi hoàn thiện phải mất từ 1 đến 2 ngày”, anh Mai Khắc Trung Trực cho biết.






Được biết, Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm giấy vào hai ngày cuối tuần, mỗi lần sử dụng từ 3 đến 5 kg phân và trung bình cứ 100g bột phân voi sẽ làm được 7-8 tờ giấy.
Bạn Đặng Kiều Anh (Sinh viên trường Đại học Công Nghệ TP.HCM), thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, với mỗi buổi làm việc, nhóm có thể sản xuất 20 tờ giấy phân voi.
“Công đoạn khó nhất với mình là phải cân đo tỉ lệ đúng để cho ra tờ giấy hoàn chỉnh. Tụi mình đang nghiên cứu thêm để tiếp tục hoàn thiện, sao cho giấy láng mịn và dễ sử dụng hơn”, Kiều Anh chia sẻ.

Trong bối cảnh diện tích rừng ngày càng suy giảm, số lượng voi trong tự nhiên và voi nuôi nhốt cũng giảm, anh Trực mong rằng việc tạo ra sản phẩm giấy từ phân voi có thể giúp mọi người có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn động vật hoang dã, đồng thời giúp trẻ em biết cách tiết kiệm giấy.
“Thật ra dự tính ban đầu của mình là 3 năm mới có thể hoàn thành dự án này. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng giấy để có thể ứng dụng tốt hơn”, anh Trực nói.

Trong tương lai, anh Trực và Thảo Cầm Viên sẽ hướng đến việc sản xuất ra giấy đảm bảo chất lượng hơn để cung cấp cho các trường học, ứng dụng trong việc dạy học. Và hơn thế nữa, nhóm sẽ nghiên cứu và hướng tới việc dùng phân tê giác, hưu cao cổ… để tạo ra sản phẩm giấy tương tự.