Đà Nẵng: ‘Thành phố môi trường’ vẫn là mục tiêu xa vời

ThienNhien.Net – Vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn đang rất nhức nhối ở Đà Nẵng dù thành phố này đang hướng tới công bố đề án xây dựng “thành phố môi trường” vào năm 2020. Trước mắt, nhiều hậu quả mà “lịch sử” để lại đang được chờ xử lý.

Một người dân ở bãi rác Khánh Sơn kêu khổ vì ô nhiễm với ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Đà Nẵng trong đợt thị sát lúc mới nhậm chức của ông vào cuối năm 2015 – Ảnh: Lê Đình Dũng

Hậu quả của “lịch sử”

Hai nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc gây ô nhiễm môi trường ở Q.Liên Chiểu nhiều năm nay; ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy đã thừa nhận trong kỳ họp HĐND mới đây là do “lịch sử” để lại. Hiện chính quyền thành phố này đang khắc phục hậu quả với phương pháp trước mắt là di dời dân xa khỏi nhà máy, về lâu dài nếu không ổn thì dời nhà máy đi.

Ít nhất ở Đà Nẵng hiện nay có 13 điểm nóng về ô nhiễm môi trường thường xuyên khiến dân không ngớt kêu ca, chính quyền đau đầu như bãi rác Khánh Sơn, lò giết mổ tập trung ở Đà Sơn, 2 nhà máy thép, cảng cá Thọ Quang, Khu công nghiệp Liên Chiểu…

Ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng từng nhận định: “Trước đây, nếu chúng ta làm tốt công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì chắc chắn không xảy ra những điểm nóng về môi trường như hiện nay”.

Ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng

Ông Hùng ví dụ về dự án âu thuyền Thọ Quang được xây dựng thành một cảng cá chuyên dụng như hiện nay. “Tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch về môi trường đều đánh giá đây là nơi không thể tổ chức một cảng cá được vì đây là nơi nước tù đọng, nước không chảy được thì không thể tổ chức cảng chuyên dụng”.

Thực tế mà ông Hùng chỉ ra là đến nay, những nơi được nhắc tới đang rất nhức nhối vì ô nhiễm. Việc làm ĐTM lỏng lẻo cũng xảy ra với trường hợp xây dựng kè biển Liên Chiểu mới đây, với 2.000m bờ biển đang bị xâm thực nhưng chính quyền chỉ quyết định làm 1.500m kè, còn 500m xung yếu nhất bị bỏ ngoài dự án. Hiện, chính quyền cấp thành phố và quận đang bàn bạc bổ sung 500m này.

Cảng cá Thọ Quang hiện là một trong nhiều điểm ô nhiễm môi trường nhức nhối của Đà Nẵng

Cũng liên quan đến tài nguyên-môi trường; theo thống kê trong thời gian qua diện tích tự nhiên trong núi, đất rừng, đất sản xuất ở Đà Nẵng bị thu hẹp với con số đáng báo động. Ông Tô Văn Hùng đưa ra các con số: “Năm 2003, đất sản xuất nông nghiệp có 11.722ha; đất chưa sử dụng, đất đồi núi sông ngòi có 20.762ha. Đến năm 2015, đất sản xuất nông nghiệp chỉ còn 6.811ha, đất chưa sử dụng còn 4.009ha”.

“Tình trạng hiện nay cho thấy chúng ta lấy đất đồi núi để lấp ruộng, lấp hồ để xây dựng khu tái định cư, khu dân cư. Phải chăng đây là một sự lãng phí kép, tức là vừa phá đồi, vừa phá ruộng”, ông Hùng nhận định và thắc mắc có phải là nguyên nhân làm suy giảm môi trường hay không; và Đà Nẵng có thể đạt được mục tiêu thành phố môi trường với cách làm như hiện nay hay không.

Núi đồi ở huyện Hòa Vang nham nhở do khai thác đất đá

Được biết, ngày 20.8.2008, TP.Đà Nẵng có xây dựng đề án thành phố môi trường, dự kiến công bố vào năm 2020. Tuy nhiên đến thời điểm này đã có nhiều dự án vì chạy theo tiến độ đầu tư nên công tác ĐTM không chất lượng, hệ lụy là những vấn đề môi trường phát sinh mà thành phố phải đi giải quyết.

Hàng ngàn tỉ đồng khắc phục để trở thành “thành phố môi trường”

Thừa nhận về khâu làm ĐTM lỏng lẻo gây hậu quả như hiện nay, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cho rằng: “Đây là vấn đề đặt ra rất đúng và bản thân ngành rất trăn trở”.

Ông này dẫn ra một số khó khăn: “Các chuyên gia đầu ngành ở Đà Nẵng thiếu và yếu. Thứ hai nữa, một số dự án do yêu cầu triển khai sớm thì công tác về môi trường được làm sau. Thứ 3 nữa là thông thường theo luật bảo vệ môi trường, việc lập ĐTM phải làm trong giai đoạn chuẩn bị dự án, mà trong giai đoạn này thì thông tin dự án rất sơ sài, công nghệ thì chưa có; chưa có thiết kế cơ sở thì việc thẩm định chính xác về các nguồn thải và các giải pháp rất khó khăn. Đây là điều mà Bộ TN-MT cũng thấy và chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị”.

Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng

Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cho biết: “Hiện TP còn 13 điểm nóng ô nhiễm môi trường. UBND TP đã phê duyệt gần 4.500 tỉ đồng để giải quyết các khu vực ô nhiễm như âu thuyền Thọ Quang, KCN Hòa Khánh, sông Phú Lộc… để phục vụ mục tiêu thành phố môi trường vào năm 2020”.

Đó là ô nhiễm về nguồn nước, không khí. Ngoài ra, nhức nhối không kém ở Đà Nẵng hiện nay là tình trạng khai thác khoáng sản, tác động mạnh vào cảnh quan môi trường.

Theo thống kê của Sở TN-MT thì hiện có 37 dự án đang hoạt động, tập trung vào khai thác đá xây dựng, cát, đất đồi… Trung bình hàng năm có 3-4 triệu m3 đá xây dựng và 4-5 triệu m3 đất san lấp được khai thác phục vụ xây dựng.

Hoạt động này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, khí thải, bụi nổ mìn, vận chuyển đất cát và những điều khác làm xáo trộn đời sống dân cư.

Cảnh quan môi trường ở Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề sau quá trình khai phá, mở rộng việc xây dựng các cơ sở hạ tầng

Theo ông Nam, Thanh tra thành phố Đà Nẵng đã tiến hành thanh tra 28 mỏ, Thanh tra Sở TN-MT đã kiểm tra 17 mỏ để chấn chỉnh các hoạt động khai thác, cấp phép, bảo vệ môi trường…

Qua kiểm tra cho thấy hầu hết các cơ sở đều có giải pháp bảo vệ môi trường tuy nhiên việc cam kết thực hiện chưa nghiêm túc; ít nhất đã phát hiện 13 mỏ khai thác ngoài diện tích và sâu hơn mức cho phép.

Đến nay có 41 mỏ đã cải tạo môi trường, 8 mỏ cải tạo xong, 16 mỏ đã được UBND TP phê duyệt và đang hoàn thổ. “Việc khai thác mỏ gây ảnh hưởng môi trường rất lớn và gây xáo trộn đời sống nhân dân”, ông Nam thừa nhận.