Giao sở hữu tư với rừng tự nhiên

ThienNhien.Net – Nên giao sở hữu tư đối với rừng tự nhiên nghèo kiệt để tạo động lực phát triển – là ý kiến của nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, GS.TS. Đặng Hùng Võ tại Chương trình Nhịp cầu báo chí số 15, với chủ đề Rừng Việt Nam sẽ có chủ thực sự? Cải cách cần thiết về sở hữu và quyền hưởng thụ tài nguyên rừng do Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) tổ chức sáng 28/12 tại Hà Nội.

Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã được thông qua và thi hành từ năm 2004, tuy nhiên đến nay sau 12 năm thi hành, đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. Hiến pháp năm 1992 quy định, rừng núi thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Nhưng đến Hiến pháp năm 2013, quy định này thay đổi theo hướng tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Điểm thay đổi cơ bản này bắt buộc Luật Bảo vệ và phát triển rừng phải sửa cho phù hợp theo hướng ba hình thức sở hữu rừng: Nhà nước sẽ sở hữu rừng tự nhiên và rừng trồng do Nhà nước đầu tư. Tư nhân sở hữu rừng trồng do mình đầu tư và hình thức sở hữu hỗn hợp giữa Nhà nước với những tổ chức phi Nhà nước và các cá nhân khác. Nhà nước sở hữu rừng tự nhiên, tuy nhiên việc chăm sóc và bảo vệ rừng được giao cho các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư nhưng bất cập là khi người bảo vệ và chăm sóc rừng không phải chủ sở hữu thực sự.

 

Rừng dòng họ tại huyện Si Ma Cai, Lào Cai (Ảnh: Chi Châu)

Đề cập đến vấn đề này, GS.TS. Đặng Hùng Võ cho biết: “Theo tôi, đối với rừng sản xuất là tự nhiên nghèo kiệt thì nên giao sở hữu tư để có động lực phát triển rừng. Nếu cứ tiếp tục như những năm trước đây thì loại rừng này có thể sẽ tiếp tục bị mất đi. Cũng theo ông Đặng Hùng Võ, đối với loại rừng tự nhiên cần bảo vệ thì nên “gắp” nó về loại rừng cần bảo vệ tức là gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và kể cả rừng tự nhiên cần phải bảo vệ. Ngược lại nên mở khả năng rừng có thể thuộc sở hữu tư nhân. Từ đó mới có thể tạo động lực phát triển được”.

Đồng quan điểm, ông Vũ Long, chuyên gia lâm nghiệp cho rằng, nhiều năm nay Nhà nước có quy định đóng cửa rừng tự nhiên. Vậy người dân được giao rừng tự nhiên sẽ sinh sống bằng gì? Muốn phát triển và phù hợp với nền kinh tế thị trường thì nên thừa nhận quyền sở hữu rừng tự nhiên giao cho hộ gia đình. Và theo luật đối với rừng tự nhiên không được khai thác trắng mà buộc phải khai thác chậm, phải đảm bảo bền vững, khai thác dưới năng lực tăng trưởng.

Chuyên gia lâm nghiệp Võ Long giải thích, hiện nay rừng trồng phát triển rất tốt và ít vướng mắc. Đối với người khai thác rừng sản xuất sẽ phải chịu thuế đất, nhưng đối với những người sản xuất rừng tự nhiên, khi khai thác gỗ họ phải chịu thuế tài nguyên (từ 20 – 30%), khai thác lâm sản gỗ chịu thuế 5% – chịu cao hơn mọi loại hình khác. Do vậy nên giao rừng tự nhiên nghèo cho từng hộ gia đình, cá nhân sẽ tạo động lực để phát triển rừng.

Bên cạnh ý kiến về vấn đề công nhận sở hữu tư nhân đối với rừng tự nhiên để góp phần tạo động lực phát triển rừng, các chuyên gia cũng cho rằng nên sửa đổi lại tên của Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Theo ông Đặng Hùng Võ, nên chăng đổi tên luật thành Luật Tài nguyên rừng bởi ít có luật nào chỉ điều chỉnh hai hành vi là bảo vệ và phát triển rừng. Hơn nữa, nếu chỉ “chăm chăm” vào việc bảo vệ và phát triển rừng thì vô hình trung quên mất việc “hưởng lợi” làm mất động lực phát triển. Ông Vũ Long thì đề xuất nên đổi tên Luật Bảo vệ và phát triển rừng thành Luật về rừng.