Tính đa dạng giúp động vật có vú thích ứng biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Nghiên cứu mới của trường Đại học Vanderbilt (Hoa Kỳ) đăng trên Thư viện Cộng đồng về Khoa học (PLoS ONE) cho hay tính đa dạng cao chính là yếu tố giúp các loài động vật có vú thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Ngựa là loài động vật có vú thích ứng khá tốt với sự thay đổi của môi trường và khí hậu (Ảnh: Thehorsepedia.com)

Kết quả nghiên cứu được xây dựng trên cơ sở tìm hiểu cách thức thích ứng của các loài động vật có vú ở Bắc Mỹ với tình trạng biến đổi khí hậu trong suốt 56 triệu năm qua. Các nhà nghiên cứu nhận thấy chúng hoàn toàn có khả năng thay đổi kích cỡ và chế độ ăn khi các yếu tố môi trường thay đổi, bên cạnh đó chúng còn tỏ ra hết sức linh hoạt khi biết tìm đường đến vùng đất mới để sinh tồn.

Lần theo những thay đổi trong tính đa dạng và vùng phân bố của 35 họ ma mút, ngựa, chuột và thỏ, một nhóm nghiên cứu khác đến từ trường Đại học Tennessee (Hoa Kỳ) cũng phát hiện ra rằng đa số các họ động vật có vú này đều thích nghi tốt với sự thay đổi của môi trường và khí hậu, trong đó thích nghi cao nhất là ngựa, còn các họ khác có vùng phân bố hạn chế hơn.

Về cơ bản, động vật có vú thường có xu hướng di chuyển từ khu vực phía Nam sang phía Đông nhằm tránh các vùng khí hậu khắc nghiệt, nóng bức. Các họ có số lượng càng nhiều và tính đa dạng càng cao sẽ càng dễ ổn định và mở rộng phạm vi phân bố hơn.

Nghiên cứu này đưa ra kết luận khác biệt so với một số nghiên cứu trước đây nhìn nhận không mấy khả quan về khả năng thích ứng của động vật có vú, cho rằng khi biến đổi khí hậu xảy ra thì tính đa dạng của động vật có vú sẽ giảm dần, trong số đó có một nghiên cứu cách đây 4 năm của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).