Nghị định thư Montreal đe dọa khí hậu

ThienNhien.Net – Nghị định thư Montreal có lẽ đã không còn là “hiệp ước quốc tế thành công nhất” như lời tuyên bố của cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan nữa. Bởi lẽ, hiệp ước quốc tế này đang có nguy cơ trở thành nguyên nhân khiến biến đổi khí hậu trầm trọng hơn.

Nghị định thư Montreal là một hiệp ước quốc tế được thiết kế để bảo vệ tầng ozone bằng cách loại bỏ dần việc sản xuất các chất được cho là nguyên nhân gây suy giảm tầng ozone. Nghị định thư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng một năm 1989 và được biết đến là Hiệp ước quốc tế có nhiều thành viên tham gia nhất.

Hiệp ước này có vẻ như đã làm tròn “nhiệm vụ” của mình trong hơn hai thập kỷ có hiệu lực, với kết quả đã giúp giảm 97 % lượng tiêu thụ các chất phá hủy tầng ozone. Tuy nhiên, nó lại đang bị phê phán là có thể khiến cho biến đổi khí hậu thêm trầm trọng bởi đã góp phần tạo ra những chất thay thế có hại khác.

Theo Liên hợp quốc, nhờ Nghị định thư Montreal mà tổng lượng cắt giảm khí chlorofluorocarbons (CFCs) tương đương với việc giảm 11 tỷ tấn CO2 mỗi năm. Nhưng “thành tựu” nổi bật nhất mà nó đem lại là những chất hóa học thay thế CFCs như: Hydrofluorocarbons (HFCs) – một chất “siêu” khí nhà kính.

HFCs góp phần trầm trọng hóa biến đổi khí hậu (Ảnh: Envirotech-online.com)

HFCs sử dụng để sản xuất nhiều sản phẩm như tủ lạnh và bình xịt khí được coi là thế hệ khí nhà kính phát triển nhanh nhất, tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sự nóng lên toàn cầu. Nghiên cứu cho thấy việc gia tăng sử dụng HFCs chính là nguyên nhân khiến biến đổi khí hậu trầm trọng hơn.

Theo tính toán, HFCs có thể  sẽ góp khoảng 20 % lượng CO2 mỗi năm trong sự ấm lên toàn cầu vào năm 2050, theo công bố mới đây của Viện Quản lý và Phát triển Bền vững (Institute for Governance and Sustainable Development) có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Mỹ, Mexico, Canada và Micronsia, trong buổi làm việc cuối cùng của kỳ họp các thành viên Nghị định thư Montreal tại Bangkok hồi tháng trước đã đề xuất sửa đổi Nghị định thư Montreal nhằm cắt giảm chất làm lạnh HFCs. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị phản đối bởi Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil phản đối với lập luận rằng việc cắt giảm các hóa chất có hại chỉ nên được điều chỉnh bằng Nghị định thư Kyoto bởi vì vấn đề ở đây là sự ấm lên toàn cầu chứ không chỉ là sự suy giảm tầng ozone.

Nhưng hầu hết các quốc gia khác đều cho rằng HFCs chính là hệ quả trực tiếp từ Nghị định thư Montreal và do đó nghị định thư này phải có nghĩa vụ tìm ra những lựa chọn thay thế an toàn hơn cho khí hậu.