Thấy lợi trước mắt, dân ồ ạt đốn hạ cao su bán cho thương lái

ThienNhien.Net – Hàng trăm ha cao su tại các xã Ia O, Ia Khai (huyện Ia Grai, Gia Lai) đang bị người dân đốn hạ để bán cho thương lái. Điều bất thường là giá mủ cao su đang tăng và diện tích cao su này là do chính quyền cấp cho người dân để có sinh kế lâu dài…

Ồ ạt đốn hạ cao su

Khi xây dựng thủy điện Sê San 4, diện tích nương rẫy của 380 hộ thuộc hai xã Ia O và Ia Khai bị ngập nước không thể sản xuất. Trước tình hình đó, chính quyền huyện Ia Grai và UBND tỉnh Gia Lai đã nỗ lực trình Chính phủ đề nghị Công ty 715 (Binh đoàn 15) nhượng lại 397ha cao su đang trong độ tuổi khai thác cho người dân hai xã để họ có phương kế sinh sống…

Hàng trăm ha cao su tại làng Mít Jép bị người dân đốn hạ lấy gỗ bán cho thương lái. (Ảnh: Đ.N)

Qua năm 2008, toàn bộ diện tích cao su này được chính thức giao cho người dân sản xuất. Vừa giao diện tích cao su, chính quyền địa phương vừa phối hợp Binh đoàn 15 tổ chức tập huấn cho người dân kỹ thuật cạo mủ, chăm sóc. Nhờ vườn cao su, cuộc sống của người dân 2 xã này từ đó ổn định. Nhiều người xây được nhà cửa khang trang, mua xe, mua bò…

Thế nhưng điều không thể hiểu là bỗng dưng từ đầu năm đến nay người dân bỗng nhiên đốn hạ cây để bán cho thương lái. Trước còn nhỏ lẻ, gần đây tình trạng này trở nên ồ ạt, bất chấp giá mủ những tháng cuối năm đang lên… Theo ghi nhận của phóng viên, tại các vườn cao su bị đốn hạ có hàng ngàn cây đang độ tuổi thu hoạch với đường kính từ 40 – 50cm đã bị chặt lấy thân chỉ còn trơ gốc. Nhiều nơi, gốc cây cũng bị đào bật lên nằm ngổn ngang trên đất. Ở những vùng đã chặt phá, chỉ một số diện tích nhỏ được người dân trồng cây điều thay thế, còn đa phần đang để hoang…

Ông Bóc làng Mít Jép (xã Ia O), cho biết: “Làng tôi, vườn cao su bị chặt gần hết rồi. Tôi cũng có 2ha cao su, được thương lái tới trả giá mỗi ha 200 triệu đồng. Chắc một thời gian nữa tôi cũng bán thôi. Vườn cây nhà tôi bây giờ có lấy mủ bán cũng không được nhiều tiền như vậy đâu…”.

Ông Luen có vườn cao su bên cạnh nhà ông Bóc cũng cho biết: “Trước kia mình cho người Kinh thuê vườn, bây giờ đã lấy lại nhưng cây không cho nhiều mủ. Thương lái họ trả giá cao, thấy các hộ xung quanh chặt bán nên mình cũng phải bán thôi”. Khi được hỏi chặt vườn cao su bán rồi lấy gì sinh sống, ông Luen nói đang tính, chỉ biết trước mắt có một món tiền lớn đã (!)