Tôn giáo sẽ góp phần phát triển đất nước Việt Nam xanh, bền vững trong tương lai

Sáng ngày 15/10, “Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” đã bế mạc tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế). Tại phiên bế mạc, đại diện chủ tọa các phiên thảo luận ngày 14/10 đã báo cáo những kết quả đạt được. Đồng thời chủ tọa phiên bế mạc đã có những ý kiến, kết luận tại Hội nghị.

Nhiều mô hình tôn giáo thích ứng với biển đổi khí hậu sẽ được nhân rộng

Tôn giáo ở Hà Nội lan tỏa công tác Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

1.014 mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Toàn cảnh đại biểu tham gia phiên bế mạc (Ảnh: Hoàng Chiên)

Mục sư Trần Thanh Truyện – Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm cho biết, chủ đề “Biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, đã có 70 đại biểu tham dự với 15 ý kiến phát biểu tại hội trường, 7 bài tham luận được trình bày.

Một số đề xuất tại phiên thảo luận đã được các đại biểu đưa ra như đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường tạo nguồn kinh phí cho các tôn giáo thực hiện truyền thông về Bảo vệ môi trường, có chính sách thay thế túi ni lông đồ nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa, có cách phân loại từ gia đình, phân loại rác, xử lý, tái chế rác. Đặc biệt là tăng cường giáo dục bảo vệ môi trường trong trường học…

Ở phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Tôn giáo với công tác ứng phó biến đổi khí hậu”, bà Nguyễn Thị Thu Cúc – Phó Ban quản trị Minh Lý Đạo – Tam Tông Miếu tổng kết phiên thảo luận cho thấy, có 150 đại biểu tham dự và 6 ý kiến phát biểu, với 6 tham luận. Các đại biểu đã đưa ra một số đề xuất ở phiên thảo luận này như đề nghị Mặt trận Tổ quốc, Bộ Tài nguyên Môi trường và các tổ chức tôn giáo duy trì thường xuyên, liên tục các hoạt động trao đổi giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo để cùng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Cuối cùng, báo cáo phiên thảo luận thứ ba với chủ đề “Đáp ứng bền vững và hiệu quả của tôn giáo Việt Nam trong ứng phó với Biến đổi khí hậu và Bảo vệ môi trường”, ông Hoàng Văn Tùng – Trưởng Ban đại diện tôn giáo Mặc Môn cho biết, đã có 5 tham luận được trình bày với những bài học về quản lý thiên tai, bảo vệ môi trường.

Các sản phẩm thân thiện với môi trường được trưng bày tại Hội nghị

Các tham luận đã chia sẻ kinh nghiệm về tính bền vững và tính hiệu quả của các tổ chức tôn giáo khi tham gia bảo vệ môi trường như mô hình sản phẩm thay thế túi ni lông và mô hình khu phố xanh, trồng rừng, lấp trống trong du canh du cư, giúp đồng bào làm các bồn chứa nước để lọc bớt nước vôi cải thiện vệ sinh, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các tín đồ đạo tin lành.

Sau khi nghe 03 đại diện chủ tọa các phiên họp báo cáo, nêu nội dung đề xuất, Chủ tọa phiên bế mạc đã tiến hành thảo luận về các định hướng, kế hoạch và cam kết của các tôn giáo trong việc tiếp tục thúc đẩy thực hiện Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và UPBĐKH trong 5 năm tới (giai đoạn 2020-2025). Tổng kết, thống nhất các nội dung thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2020-2025; ghi nhận sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình tổ chức hội nghị.

Dành hơn 30 phút để chia sẻ, ghi nhận những đóng góp của các tôn giáo và phát biểu kết thúc phiên bế mạc, ông Ngô Sách Thực – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, hội nghị đã thành công về mọi mặt dù gặp rất nhiều khó khăn từ chuẩn bị cho đến quá trình thực hiện.

Khẩu hiệu của một số tôn giáo được treo tại Hội nghị

Ông Thực nói: “Ban tổ chức Hội nghị đã trang trí một cách sáng tạo liên quan đến chủ đề hội nghị, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, khen thưởng phù hợp, hay các phiên tham luận thảo luận đều chu đáo, các ý kiến của các đại biểu cực kỳ tâm huyết và chi tiết từ địa phương đến quốc gia, thậm chí vượt tầm quốc gia…”

“Tất cả các nội dung thảo luận đã phản ánh rõ hơn những nội dung sơ kết 4 năm trước đó, có giá trị rất tốt không chỉ hiện tại mà còn lâu dài. Qua hội nghị đã nêu lên nhiều giải pháp, các mô hình điểm phù hợp của các tổ chức tôn giáo và cần được nhân rộng, lan tỏa. Chúng tôi sẽ tiếp thu các giải pháp và tổng hợp, báo cáo lên Bộ Chính trị cùng các cơ quan nhà nước. Mong rằng các tổ chức tôn giáo sẽ góp phần phát triển đất nước Việt Nam xanh, bền vững trong tương lai…”– Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn.