Xã nghèo vùng cao hưởng lợi từ “rừng vàng”

ThienNhien.Net – Với bà con người Mông và Dao ở xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu), khẩu hiệu: “Hãy cho rừng sự sống để rừng ban sự sống cho ta” có thể còn quá thâm sâu về ý nghĩa nhưng họ luôn hiểu rằng, bảo vệ được rừng thì rừng sẽ trả ơn.

Quả thật, ơn nghĩa ấy rừng đã trả vàng cho đồng bào. Ông Giàng A Vư, Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ hồ hởi: “Bà con đã nhận ra giá trị của rừng nên mọi người đều chung tay bảo vệ. Đặc biệt sau khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đi vào cuộc sống, rừng không chỉ mang lại những lợi ích gián tiếp về nước tưới, khí hậu mà còn cho một khoản tiền đáng kể cho mỗi hộ dân nên động lực, ý thức bảo vệ rừng của bà con rất tốt”.

Bản làng của bà con người Mông ở Sin Suối Hồ được rừng che phủ
Bản làng của bà con người Mông ở Sin Suối Hồ được rừng che phủ

Chẳng gì là khó khăn để kiểm chứng điều mà các vị lãnh đạo huyện Phong Thổ và xã Sin Suối Hồ nói, nếu ai đã một lần đến với mảnh đất nơi cuối trời Tây Bắc này. Bước vào địa phận của Sin Suối Hồ, chúng tôi như được những cánh rừng chào đón. Càng lên cao, vào sâu trong xã thì rừng càng dầy, càng sừng sững. Đứng từ trung tâm xã, phóng tầm mắt ra bốn phía, chúng tôi như cảm nhận được sự hùng vĩ và thơ mộng của núi rừng được điểm xuyết bằng những trảng ruộng bậc thang uốn lượn thơ mộng. Ẩn trong chốn thẳm xanh thơ mộng ấy là những “vựa vàng” của đồng bào, một rừng thảo quả đang vào kỳ thu hoạch.

Thực ra, người dân Sin Suối Hồ đã nhận ra và bảo vệ rừng từ rất lâu bởi trong tán rừng già là 412ha thảo quả, trong đó có đến 350ha đang cho thu hoạch. Từ thảo quả, riêng năm 2015, nông dân toàn xã đã thu về hơn 6 tỷ đồng, một con số khổng lồ cho hơn 700 hộ dân nơi đây.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà trệt, nền lát đá hoa, giữa phòng khách là bộ sofa với những chiếc ghế bành, kê tương xứng với chiếc ti vi đời mới màn hình rộng cùng giàn thiết bị âm thanh hiện đại, trưởng bản Sin Suối Hồ, ông Vàng A Chỉnh chậm rãi: “Nhờ rừng và giữ được môi trường rừng mà tôi mới có cơ ngơi này đấy. Năm trước tôi bán được gần 100 triệu tiền thảo quả. Không có rừng thì lấy đâu ra ti vi, xe máy đời mới”.

Người dân huyện Phong Thổ ý thức việc bảo vệ rừng là giữ cho cuộc sống của chính mình
Người dân huyện Phong Thổ ý thức việc bảo vệ rừng là giữ cho cuộc sống của chính mình

Từ khi Nghị định 99 về chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng được ban hành thì công sức của người dân trong việc giữ rừng càng công bằng hơn. Với một xã có đến 45% số hộ dân nằm trong diện nghèo đói như Sin Suối Hồ thì khoản tiền mà người dân được hưởng lợi từ rừng là rất lớn.

Từ năm 2013 đến nay, bình quân, mỗi hộ dân trong xã được nhận 3,8 triệu đồng/năm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đây là số tiền do các nhà máy thủy điện hưởng lợi từ nguồn nước mà người dân giữ rừng mang lại chi trả công chăm sóc, phát triển và bảo vệ rừng. Tính ra, mỗi năm rừng mang về cho xã khoảng hơn 2,5 tỷ đồng.

Khi rừng trở thành “mỏ vàng”, người dân càng hiểu được giá trị của rừng nên rừng được bảo vệ tốt hơn, hiệu quả hơn. Ở Sin Suối Hồ, bà con thống nhất tiền dịch vụ môi trường rừng được các nhà máy thủy điện chi trả chia bình quân cho từng hộ dân. Bởi vậy, rừng của xã là rừng của chung tất cả mọi người dân, trách nhiệm bảo vệ được chia đều cho các bản nên những hành động xâm hại rừng, dù là nhỏ nhất cũng khó lọt được qua hàng vạn con mắt của đồng bào.