Mỗi năm phấn đấu trồng 6.000 ha rừng phòng hộ cây bản địa, quý, hiếm

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phấn đấu mỗi năm trồng từ 4-6 nghìn hécta rừng phòng hộ, rừng đặc dụng với các loài cây bản địa, quý, hiếm.

Rừng phòng hộ tại Hà Tĩnh cần được khôi phục, bảo vệ. (Ảnh: Trần Tuyên)

Xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt từ 18-20 tỉ USD vào năm 2025

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Công Tuấn, trong chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành NNPTNT phấn đấu trồng được khoảng 340 nghìn hecta rừng sản xuất vào năm 2030.

Cùng với đó, ngành lâm nghiệp phấn đấu mỗi năm trồng được từ 4-6 nghìn hecta rừng phòng hộ, rừng đặc dụng với các loài cây bản địa, quý, hiếm; phấn đấu phục hồi khoảng 15 nghìn hecta rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Ngành NNPTNT cũng đang triển khai mọi giải pháp để tăng tốc độ giá trị sản xuất lâm nghiệp, phấn đấu đạt từ 5-5,5%.

“Mục tiêu là đến năm 2025 giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt từ 18-20 tỉ USD; đến năm 2030 đạt từ 23-25 tỉ USD. Giá trị tiêu thụ lâm sản thị tường trong nước đạt 5 tỉ USD vào năm 2025 và 6 tỉ USD vào năm 2030. Phấn đấu sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 35 triệu mét khối (m3) vào năm 2025, đạt 50 triệu m3 vào năm 2030” – Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Cùng với mục tiêu phát triển rừng, nâng tỉ lệ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, săng suất và hiệu quả rừng trồng và các hệ thống nông lâm kết hợp, ngành lâm nghiệp phấn đấu diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 0,5 triệu hecta giai đoạn 2026-2030. Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần và đến năm 2030 tăng 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

Tăng gấp đôi thu nhập của người dân tộc thiểu số làm lâm nghiệp

Cũng trong chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu nâng tỉ lệ lao động làm việc trong lâm nghiệp được đào tạo nghề đạt 45% vào năm 2035 và 50% vào năm 2030. Đến năm 2025, có 50% và đến năm 2030 có 80% hộ miền núi, người dân tộc thiểu số ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp hàng hóa.

Rừng phòng hộ bị tàn phá nhiều nơi để trồng keo. (Ảnh: Tổng cục Lâm nghiệp)

“Toàn ngành phấn đấu đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số làm lâm nghiệp tăng lên 2 lần so với năm 2020; góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết.

Ngành nông nghiệp cũng đặt mục tiêu đến năm 2050 trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao; tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ đa dạng, giá trị gia tăng cao, tham gia sâu rộng trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển bền vững đất nước…