Ô tô chạy bằng nước lã

ThienNhien.Net – Một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại, cũng như các ngành khoa học công nghệ hiện đại là tìm những biện pháp giải quyết ô nhiễm môi trường và khủng hoảng năng lượng.

Ô tô chạy bằng nước lã của Alaeddin Qassami
Ô tô chạy bằng nước lã của Alaeddin Qassami

Trong đó, phải kể đến sự tích cực của ngành công nghiệp sản xuất ô tô với công nghệ xanh và hầu hết các công ty, tập đoàn xản xuất xe hơi hàng đầu thế giới đang tập trung theo hướng phát triển thương mại hóa này, giúp giải quyết vấn đề giao thông, môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Xe hơi vận hành bằng nước lã

Tuần qua, cả thế giới chấn động bởi thông tin được Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) đăng tải cho biết, nhà khoa học Alaeddin Qassami đã thử nghiệm thành công động cơ ô tô chạy bằng… nước lã.

Theo đó, nhà khoa học Alaeddin Qassami đã dùng chiếc xe của mình thí nghiệm với động cơ mới do chính ông tạo ra chạy liên tục 10 giờ đồng hồ trên quãng đường dài khoảng 900km với 60 lít nước lã. Đặc biệt, mặc dù động cơ chỉ chạy bằng nước lã 100% chứ không pha trộn bất kỳ một loại hóa chất nào, nhưng chiếc xe vẫn vận hành bình thường, không xảy ra trục trặc.

Ông Qassami chia sẻ, động cơ xe hơi mà ông phát minh ra có hệ thống đặc biệt, nó sẽ tách nước (H2O) ra thành hydro (H2) và ôxy (O2), sau đó chính 2 loại khí này lại phản ứng với nhau sản sinh ra năng lượng giúp động cơ hoạt động. Do chỉ sử dụng nước lã nên chiếc xe hơi này không gây ô nhiễm không khí cũng như tiếng ồn vì xe chỉ xả ra hơi nước.

Hiện, ông Qassami đã đăng ký bản quyền quốc tế sáng chế cho phát minh của mình. Phát minh của ông được giới khoa học đánh giá mang tầm lịch sử, nó có thể thay đổi ngành công nghiệp sản xuất ô tô toàn cầu cũng như nhiên liệu xanh, loại bỏ dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như hiện nay.

Điện phân tạo ra nhiên liệu cho ô tô

Nguyên lý hoạt động động cơ của nhà khoa học Alaeddin Qassami là năng lượng được tạo ra sau khi động cơ tách nước thành khí H2 và O2. Vài năm trước, Proton OnSite – công ty hàng đầu toàn cầu về năng lượng hydro và các giải pháp khí tinh khiết đã sử dụng điện để tách hydro khỏi nước thành các tế bào nhiên liệu kết hợp với những chất xúc tác làm giảm năng lượng cần thiết cùng những màng tách hydro từ oxy và nước. Công nghệ này được kích hoạt bởi khả năng của màng trong việc lọc các ion dương.

Màng hoạt động với tư cách vừa là chiếc cầu dẫn giữa hai điện cực, tạo phản ứng điện hóa, vừa là hàng rào phân chia hydro trong oxy. Độ dày màng tương tự đường kính của một sợi tóc có thể tách hydro tại áp suất trên 2.400 pounds (1080kg) mỗi 2,5cm2 từ oxy xung quanh. Quy trình chế tạo màng tổng hợp theo cách truyền thống khá tốn kém và hầu hết chúng không thể duy trì được sức mạnh tại những áp lực cao đó.

Thông qua chương trình nghiên cứu thuộc Quỹ khoa học quốc gia Hoa Kỳ (NSF), Proton OnSite đã phát triển và thử nghiệm loại vật liệu màng mới giúp tăng độ bền cơ học, tăng năng suất hoạt động. Nếu thành công, nó sẽ giúp tiết kiệm tới 75% chi phí so với loại màng hiện tại, cho phép hoạt động hiệu quả ở nhiệt độ cao hơn. Đây hoàn toàn có khả năng sẽ là một cuộc cách mạng về mặt năng lượng, hạn chế đáng kể lượng khí thải carbon độc hại.