Phổ cập xăng E5 sau 2 năm vẫn “giẫm chân tại chỗ”

ThienNhien.Net – Xăng sinh học E5 – mặt hàng chiến lược được đưa ra thị trường năm 2014 cùng với thời điểm Nghị định 83 có hiệu lực, với mong muốn sẽ “phổ cập” mặt hàng này trên phạm vi toàn quốc, theo lộ trình tại Nghị định 53/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, mặt hàng này vẫn đang “giẫm chân tại chỗ”.

Nguyên nhân căn bản vẫn là giá xăng E5 cao, chênh lệch không đáng kể so với các mặt hàng xăng truyền thống nên không đủ sức cạnh tranh, càng không thể thay đổi thói quen tiêu dùng.

Nhà máy Ethanol Dung Quất ngừng hoạt động. (Ảnh: Dân trí)
Nhà máy Ethanol Dung Quất ngừng hoạt động. (Ảnh: Dân trí)

Các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xăng dầu cũng không mấy mặn mà khi kinh doanh xăng E5, bởi các ưu đãi cho cả phía người bán và người mua là không đáng kể. Mỗi lít xăng E5 hiện chỉ thấp hơn xăng khoáng (RON 92) khoảng 150 đồng, trong khi theo mục tiêu ban đầu để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng, mỗi lít xăng E5 được bán thấp hơn xăng khoáng khoảng 500 đồng/lít.

Đáng chú ý, theo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, giá bán xăng E5 đã không còn được như trước, kể từ khi Thông tư liên tịch số 90 của liên Bộ Công Thương – Tài chính có hiệu lực từ ngày 15/8 năm nay. Thông tư đưa ra phương pháp tính mới, với mức giá cồn ethanol đang ở mức cao hơn nhiều so với giá xăng thành phẩm nhập khẩu, dù chỉ phối trộn khoảng 5%, nhưng với mức chênh lệch khoảng 3.000 đồng/lít cồn so với mỗi lít xăng truyền thống đã khiến giá xăng E5 sẽ cao hơn xăng truyền thống.

Đây là điểm bất hợp lý được chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài chính) chỉ rõ bởi theo thiết kế ban đầu, khi xây dựng các nhà máy sản xuất ethanol đã được tính toán sẽ có nguồn cồn khá dồi dào, giá khá cạnh tranh với xăng khoáng truyền thống nhưng thực tế không phải vậy. Hơn nữa, khi đó dự báo giá dầu rất cao lên tới 90 -100 USD/thùng nhưng vừa qua giá dầu luôn ở mức thấp.

“Xăng E5 khó tiêu thụ do giá nguyên liệu đầu vào tăng rất nhanh, chất lượng nguyên liệu cũng không tốt. Trong khi đó, công nghệ sản xuất xăng E5 còn lạc hậu thì giá xăng truyền thống lại đang giảm rất mạnh, chính vì thế nên hiện nay có mấy nhà máy sản xuất ethanol đang nằm đắp chiếu”, PGS.TS. Ngô Trí Long nêu nguyên nhân.

Ngoài những yếu tố được chuyên gia phân tích, một yếu tố khác đã đưa giá bán xăng E5 lên cao, tiệm cận với xăng truyền thống là do các khoản chi phí kinh doanh bình quân định mức (chi phí khấu hao tài sản của hệ thống phối trộn E5, chi phí hao hụt trong quá trình phối trộn, chi phí vận hành, chi phí cải tạo cửa hàng chuyển sang kinh doanh E5…) hiện đang ở mức khá cao.

Làm sao giảm giá hơn nữa?

Theo tính toán của một số doanh nghiệp đầu mối, mức chênh lệch giữa xăng E5 và xăng khoáng phải là 350 đồng/lít. Trong khi đó, Thông tư 90 quy định mức chi phí kinh doanh bình quân định mức của xăng E5 chỉ cao hơn xăng truyền thống 200 đồng/lít. Như vậy từ chỗ chênh lệch 500 đồng, nay chỉ còn khoảng 150 đồng nên nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà kinh doanh xăng sinh học.

Ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) cho biết, mới đây, đơn vị này có công văn kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế môi trường đối với mặt hàng xăng E5 để làm cơ sở đưa giá bán mặt hàng này thấp hơn so với xăng RON 92.

Theo ông Sang, hiện nay giới hạn về mức thuế môi trường được Quốc hội thông qua đối với mặt hàng xăng là 4.000 đồng/lít nhưng thực tế đang áp là 3.000 đồng. Nên mạnh dạn đưa thuế môi trường đối với xăng khoáng lên 4.000 đồng/lít và giảm thuế môi trường đối với xăng E5 là 2.000 đồng/lít hoặc thấp hơn mức 3.000 đồng/lít như hiện nay.

“Việc áp thu chung 3.000 đồng mỗi lít với cả mặt hàng xăng khoáng và xăng sinh học E5 là chưa phù hợp, dẫn đến “méo mó”, sai lệch không chỉ trong cách thu, cách điều hành mà còn có nguy cơ làm hỏng cả một chủ trương đúng đắn của Chính phủ về khuyến khích tiêu dùng xăng E5 với mục đích bảo vệ môi trường”, ông Sang nêu rõ.

“Các nhà quản lý nên cân nhắc việc tính thuế môi trường đối với xăng E5 vì dù sao xăng E5 có tác dụng tích cực giảm sử dụng xăng RON92, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, không nên đánh đồng việc tính thuế môi trường của 2 loại xăng này”, ông Bình khuyến nghị.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, mỗi lít xăng, dầu hiện đang chịu rất nhiều khoản thuế, phí các khoản thuế, phí. Để một sản phẩm có yếu tố bảo vệ môi trường như xăng E5 tồn tại, lưu thông được trên thị trường, theo kinh nghiệm các nước sẽ có 2 nguồn hỗ trợ là nguồn ngân sách và thông qua thuế, phí. Vì vậy, cần phải mạnh dạn giảm thuế môi trường đối với xăng E5, tạo ra độ chênh lệch lớn hơn, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.