Tham vấn cấp khu vực về dự án thủy điện Pak Lay trên sông Mê Kông

Ngày 20-21/9, Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế (MRC) tổ chức diễn đàn tham vấn các bên liên quan cấp khu vực về dự án được đề xuất của thủy điện Pak Lay…

Với chủ đề: “Hoạt động ưu tiên cho 2018: Quy hoạch Lưu vực và Quản lý Môi trường Lưu vực”, trong 2 ngày 20 và 21/9, tại thủ đô Vientiane – Lào, Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế (MRC) tổ chức diễn đàn tham vấn các bên liên quan cấp khu vực về dự án được đề xuất của thủy điện Pak Lay và một số hoạt động khác liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý môi trường sông Mê Kông.

Phóng viên VOV thường trú tại Lào phỏng vấn ông Phạm Tuấn Phan – Giám đốc điều hành Ban thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) về diễn đàn này.

Ông Phạm Tuấn Phan – Giám đốc điều hành Ban thư ký Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế.

PV: Việc tổ chức tham vấn trước đối với dự án thủy điện Pak Lay nhằm mục đích gì, thưa ông?

Ông Phạm Tuấn Phan: Chính phủ Lào có thành ý đề nghị tham vấn trước đối với dự án thủy điện Pak Lay để những băn khoăn, lo ngại của các nước thành viên khác như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan được xem xét, được tính đến trong quá trình triển khai xây dựng thủy điện Pak Lay.

PV: Cụ thể thì trong quá trình tham vấn trước, các nước thành viên sẽ làm gì?

Ông Phạm Tuấn Phan: Quá trình tham vấn đòi hỏi khối lượng công việc của các nước thành viên cũng như Ủy hội rất lớn. Chẳng hạn như xem xét vấn đề xả phù sa bùn cát qua đập thủy điện đó có khả thi, hiệu quả. Rồi việc di cư của các loài cá từ thượng nguồn xuống hạ nguồn, từ hạ nguồn lên thượng nguồn ra sao; giao thông thủy qua đây có thuận lợi, hay là âu thuyền dùng cho các phương tiện tàu bè qua lại có khả thi, hiệu quả…

PV: Vậy ông kỳ vọng thế nào về phiên tham vấn trước này đối với dự án thủy điện Pak Lay?

Ông Phạm Tuấn Phan: Khi tham vấn với dự án thủy điện Xayabury, đã yêu cầu thay đổi thiết kế, Lào phải bỏ thêm 200 triệu USD để hoàn thiện thiết kế của đập. Trong diễn đàn sắp tới sẽ có báo cáo cụ thể về việc thay đổi thiết kế đó đã được thực hiện như thế nào. Còn tham vấn trước đối với thủy điện Pak Beng, kết quả là ra được một tuyên bố chung và đồng thời cũng có một kế hoạch hành động chung.

Với dự án thủy điện Pak Lay, tôi được biết quá trình chuẩn bị hồ sơ rất tốt. Vì vậy, tôi hy vọng việc tham vấn trước cho Pak Lay sẽ tốt hơn các cuộc tham vấn trước đây.

Xayaburi là đập thủy điện đầu tiên được xây dựng ở hạ nguồn dòng chính sông Mê Kông, tại Lào; được khởi công năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Ảnh: Lê Quỳnh/Người đô thị

PV: Pak Lay là dự án thủy điện thứ tư được đề xuất xây dựng trên dòng chính của sông Mê Kông. Diễn đàn này không chỉ bàn đến mỗi dự án Pak Lay?

Ông Phạm Tuấn Phan: Diễn đàn sắp tới là diễn đàn thứ 5 nhằm thu thập cũng như để cho các nước trong khu vực, các đối tác bày tỏ những băn khoăn, sự quan tâm của mình về những việc làm của Ủy hội sông Mê Kông cũng như chính phủ 4 nước hạ lưu sông Mê Kông.

Trong đó có những việc mà Ủy hội tiến hành nghiên cứu cho lợi ích của sông Mê Kông trong suốt thời gian qua. Chẳng hạn, những tác động xuyên biên giới sẽ được trình bày và lấy ý kiến các nước thành viên trong khu vực. Và những hướng dẫn thiết kế các công trình thủy điện trên sông Mê Kông trong thời gian tới.

PV: Từ kết quả tham vấn trước ở thủy điện Xayabury trước đây, ông đánh giá thế nào về lợi ích của việc tham vấn trước đối với các dự án thủy điện đã triển khai và sắp triển khai trên sông Mê Kông?

Ông Phạm Tuấn Phan: Đây là những cuộc tham vấn rất bổ ích, thiết thực cho những hoạt động trên toàn bộ lưu vực sông Mê Kông. Những tham vấn này sẽ giúp cho việc xây dựng các đập thủy điện tốt hơn, phù hợp hơn cũng như giúp cho việc quản lý, khai thác tiềm năng sông Mê Kông hiệu quả, bền vững. Qua đó, để thế hệ sau có một sông Mê Kông chung sống hòa bình và phát triển được kinh tế của mình.

PV: Ông muốn nhắn gửi gì với các thành viên tham dự trước ngày khai mạc diễn đàn?

Ông Phạm Tuấn Phan: Diễn đàn này là một trong những cơ hội hiếm có. Tôi mong muốn công chúng các nước lưu vực sông Mê Kông, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội tham gia tích cực. Đồng thời, tôi mong muốn chính phủ các nước hạ lưu sông Mê Kông coi trọng sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự cũng như của tất cả dân chúng để xem xét, đóng góp vào chính sách phát triển và cách lãnh đạo của mình đối với việc phát triển và sử dụng sông Mê Kông một cách bền vững nhất.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Nguồn: