Bão Sarika chuẩn bị vào, siêu bão Haima bỗng xuất hiện: Nguy cơ 2 bão nối tiếp nhau

ThienNhien.Net – Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, bão Sarika chuyển hướng, dự kiến đổ bộ vào các tỉnh ven biển miền Bắc từ ngày 19.10, vùng mưa lớn sẽ tập trung ở Đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ từ Nghệ An trở ra. Đáng lưu ý, ngay sau khi bão số 7 đổ bộ, biển Đông sẽ có nguy cơ hứng chịu bão Haima với sức gió mạnh hơn nữa, có thể đạt mức siêu bão.

Hướng đi của cơn bão Sarika do Trung tâm DBKTTV Trung ương chụp lúc 13h ngày 17.10.2016.
Hướng đi của cơn bão Sarika do Trung tâm DBKTTV Trung ương chụp lúc 13h ngày 17.10.2016.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, sau khi vào biển Đông, bão số 7 (bão Sarika) vẫn giữ sức gió mạnh cấp 13-14, giật cấp 16-17. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km. Đến 13 giờ ngày 19.10, vị trí tâm bão trên vùng ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14-15. Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14-15; biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Do thay đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc, phạm vi ảnh hưởng bão số 7 xác định đến sáng 17.10 là các tỉnh, thành phố từ Thái Bình đến Quảng Ninh. Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn cần đặc biệt đề phòng gió mạnh và mưa lớn khi bão đi qua. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu sau khi vào bờ bão vẫn giữ cấp gió 11-12, giật cấp 14-15 thì bão số 7 sẽ là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, gây nguy hiểm cho cả các công trình cao tầng. Hiện nay vùng nguy hiểm nhất là trên biển. Bão đạt cường độ mạnh nhất – cấp 14 khi vào Hoàng Sa, tương đương siêu bão Haiyan. Thời điểm bão đổ bộ cũng là lúc thuỷ triều lớn nhất năm nên nước sẽ dâng 1-2m, sóng biển gần bờ cao 5-6m, ngoài khơi cao 10-14m.

Do bão di chuyển nhanh nên dự báo sẽ tan nhanh, mưa lớn diễn ra ngắn trong 1-1,5 ngày với lượng trung bình 200-300mm, một số nơi rên 400mm. Vùng mưa lớn sẽ tập trung ở Đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ từ Nghệ An trở ra.

Đáng lưu ý, ngay sau khi bão số 7 đổ bộ, biển Đông sẽ có nguy cơ hứng chịu bão Haima với sức gió mạnh hơn nữa, có thể đạt mức siêu bão. Cơn bão này hiện đang hoạt động ngoài khơi Philippines.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh đã phải chịu hậu quả mưa lũ. Hiện nay, ngoài việc khắc phục hậu quả của mưa lũ, các tỉnh miền Trung đang triển khai ứng phó bão số 7. Mưa đã ngớt, các tuyến đường trọng yếu cơ bản đã được lưu thông, mực nước lũ đã rút bớt nhưng công tác khắc phục hậu quả còn nhiều khó khăn do một số địa phương vẫn bị cô lập, việc xử lý môi trường sau mưa lũ vẫn còn hết sức nặng nề.

Trước đó, tại cuộc họp về phòng, chống cơn bão số 7, Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (BCĐTWPCTT) Nguyễn Xuân Cường quan ngại việc ứng phó với cơn bão số 7 đúng lúc các tỉnh miền Trung đang khắc phục hậu quả nặng nề do mưa lũ sau ATNĐ gây ra. Bộ trưởng nhận định, bão Sarika là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Do vậy, việc ứng phó với cơn bão số 7 đặt ra những tình huống hết sức phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết tâm ở mức cao nhất của tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương, nhằm chủ động và hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, sản xuất của nhà nước và nhân dân.

Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh ven biển từ Khánh Hòa – Quảng Ninh theo dõi sát cơn bão, kiên quyết, kiên trì cảnh báo thông tin nguy hiểm đến ngư dân, rà soát hoạt động du lịch trên các đảo, tàu thuyền; các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đa số đã đầy nước, cần rà soát, kiểm tra, có phương ứng phó, vận hành đảm bảo an toàn; các đô thị cũng cần có phương án giảm thiểu ngập lụt; miền núi cần đề phòng nguy cơ sạt lở đất và lũ quét.

Nguồn: