Rừng giáp ranh liên tục bị tàn phá

ThienNhien.Net – Là rừng tự nhiên không giàu tài nguyên lâm sản, cây gỗ chủ yếu loại đường kính nhỏ, song rừng Nam Hải Vân, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) giáp ranh lâm phận huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế liên tục bị tàn phá nghiêm trọng.

Kiểm lâm Hòa Vang bắt giữ gỗ lậu vận chuyển trên sông Cu Đê
Kiểm lâm Hòa Vang bắt giữ gỗ lậu vận chuyển trên sông Cu Đê (Ảnh: Nguyễn Cầu)

Vừa qua, lực lượng liên ngành của huyện Hòa Vang, gồm kiểm lâm, công an, quân đội, dân quân tự vệ phát hiện tại tiểu khu 15 khá nhiều cây gỗ đường kính cỡ 12 – 15cm bị chặt hạ, gỗ đã chuyển đi hết. Trên phạm vi không lớn, lực lượng này còn phát hiện và phá hủy 6 đường bẫy động vật hoang dã, tháo gỡ 350 bẫy các loại.

Trước đó, vào cuối tháng 8, cũng tại khu vực này, lực lượng kiểm lâm Hòa Vang, dân quân xã Hòa Bắc đã phát hiện 150 khúc gỗ tròn, đường kính từ 12 – 18cm; 20 cây đà chống loại đường kính trên dưới 10cm, lâm tặc vừa khai thác chưa kịp chuyển đi.

Điều tra sơ bộ, xác định 30 khúc gỗ bị chặt hạ ở tiểu khu 15; số còn lại lâm tặc khai thác tại tiểu khu 10 rừng Hòa Vang và tiểu khu 11 rừng Nam Hải Vân. Lực lượng kiểm lâm đã tiến hành tịch thu số gỗ trên song bất thành do lái xe được thuê chở số gỗ trên bị lâm tặc đe dọa, ngăn cản.

Ông Lê Đình Thám, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hòa Vang cho biết, tình trạng khai thác gỗ và săn bắt động vật trái phép tại khu vực rừng giáp ranh giữa Hòa Vang và Liên Chiểu diễn ra hết sức phức tạp, kéo dài. Đối tượng xâm hại tài nguyên rừng phần lớn là người dân tại khu vực Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu). Các đối tượng này rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng thực thi nhiệm vụ.

Không chỉ năm 2016 mà liên tục các năm 2014, 2015, lực lượng kiểm lâm cũng đã nhiều lần vấp phải sự chống đối quyết liệt từ các đối tượng phá rừng khi gỗ khai thác trái phép bị phát hiện, tịch thu. Để hạn chế thấp nhất tình trạnh xâm hại ở rừng giáp ranh, ngoài lực lượng của huyện Hòa Vang rất cần sự phối hợp của lực lượng liên ngành quận Liên Chiểu.

Những cây gỗ nhỏ cũng bị chặt hạ
Những cây gỗ nhỏ cũng bị chặt hạ (Ảnh: Nguyễn Cầu)

Tìm hiểu về nguyên nhân rừng khu vực giáp ranh bị tàn phá kéo dài, ngày càng nghiêm trọng, chúng tôi được một số cựu chiến binh ở phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng của một bộ phận cư dân địa phương rất hạn chế. Không ít người đã lấy rừng làm kế mưu sinh. Họ thường vào rừng từ sáng sớm và trở về ban đêm, mỗi ngày đưa về một vài khúc gỗ, bán ngay trong ngày.

Hai là, việc bảo vệ rừng của kiểm lâm và chính quyền địa phương không thật quyết liệt và hiệu quả. Khi phát hiện được gỗ lậu cất giấu trong rừng không tịch thu được, chứng tỏ, sức mạnh pháp luật chưa được đề cao. Trong khi lực lượng liên ngành có cả kiểm lâm, công an, quân đội, đành chịu thua một số đối tượng phá rừng. Nói là tiêu hủy gỗ tại chỗ, nhưng rốt cuộc lâm tặc vẫn đưa về tiêu thụ cho dù khúc gỗ đó có bị cưa cắt.

Ba là, đời sống người dân Hòa Hiệp Bắc vô cùng khó khăn, lấy rừng mưu sinh là giải pháp gần như duy nhất của họ. Sau khi giải tỏa hết đất canh tác, nghề làm pháo bị cấm, hầu hết lao động không có việc làm. Từ trước đến nay trên địa bàn chưa hề có dự án phát triển kinh tế. Nói là có khu công nghiệp Liên Chiểu song người địa phương vào làm tại đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cuộc sống biết bao thứ phải chi tiêu, trong khi không có việc làm, thu nhập, họ ngược núi chặt ít cây gỗ bán kiếm tiền đong gạo là điều tất yếu xảy ra. Đây là nguyên nhân cơ bản làm cho tình trạng phá rừng vùng giáp ranh diễn ra dai dẳng nhiều năm, không thể chấm dứt.

Ảnh: Nguyễn Cầu
Ảnh: Nguyễn Cầu

Đó là chưa nói, kiểm lâm thực thi nhiệm vụ trong giờ hành chính, ý chí, tinh thần tấn công lâm tặc còn nhiều hạn chế, trong khi vì mưu sinh, những kẻ phá rừng ngược núi bất kể giờ nào, lắm thủ đoạn và thực hiện hành vi khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã trái phép bằng bất cứ giá nào.

Vốn đã nghèo tài nguyên, liên tục bị tàn phá, rừng khu vực giáp ranh giữa Hòa Vang, Liên Chiểu và Thừa Thiên – Huế đang dần cạn kiệt những cây gỗ nhỏ còn lại. Không còn giải pháp nào tốt hơn để bảo vệ rừng khu vực này, đó là lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng địa phương phải tăng cường tuần tra, chốt chặn, ngăn chặn hiệu quả tình trạng xâm nhập rừng trái phép. Những vụ phá rừng phải được điều tra, tìm ra thủ phạm, xử lý nghiêm minh, triệt để.

UBND TP Đà Nẵng cần có chủ trương phát triển kinh tế cho các khu dân cư cận rừng của phường Hòa Hiệp Bắc bằng các dự án khả thi, để họ có việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước từ bỏ kiểu mưu sinh bằng khai thác gỗ trái phép…