TPHCM ngập khủng khiếp sau trận mưa lịch sử: Có nguyên nhân sai lầm từ quy hoạch và thiết kế lỗi thời

ThienNhien.Net – Trận mưa lịch sử chiều 26 và chiều 27.9 đã làm cho hệ thống thoát nước trên địa bàn TPHCM gần như tê liệt hoàn toàn, biến thành phố thành một điểm ngập khổng lồ. Một số công trình được xem là hiện đại nhất Đông Nam Á như hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, một số tuyến đường mới đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước cũng bất ngờ “thất thủ”.

Dự báo với tình hình chống ngập như vừa qua, thì TPHCM vẫn còn “thất thủ” dài dài trước những cơn mưa lớn. Vấn đề đặt ra là vì sao, thành phố đã đầu tư tốn hàng chục nghìn tỉ đồng, nhưng đường phố vẫn biến thành sông?

Minh họa của ĐAN
Minh họa của ĐAN

Hệ thống thoát nước và các công trình được thiết kế lạc hậu

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (viết tắt trung tâm chống ngập) cho rằng, trận mưa chiều 26.9 chỉ trong 1h 30 phút đã đạt vũ lượng mưa lên đến 204,3mm, vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay. Theo tìm hiểu của PV, hầu hết hệ thống thoát nước hiện nay của TPHCM được thiết kế dựa theo Quyết định 752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19.6.2001, về phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020.

Cụ thể: Đối với tuyến cống cấp 3 được thiết kế với tần suất mưa 75,88mm trong 3 giờ; tuyến cống cấp 2 là mưa 85,36mm; kênh, rạch chính cấp 1 là mưa 95,91mm trong 3 giờ; đỉnh triều thiết kế là +1,32m. Trong đó, đối với tuyến cống cấp 2, được thiết kế với tần suất vũ lượng mưa đạt trong 1h30 phút ứng với chu kỳ 100 năm chỉ là 137,70mm (tức 100 năm chỉ xảy ra 1 trận mưa có vũ lượng 137,70mm trong 1 giờ 30 phút). Trên thực tế, trận mưa chiều 26.9 diễn ra với vũ lượng trên 200mm trong 1h 30 phút nên khiến gần như hệ thống thoát nước của TPHCM tê liệt hoàn toàn vì quá tải.

Không riêng hệ thống cống thoát nước mưa, ngay cả một số công trình giao thông được xem là hiện đại nhất Đông Nam Á như hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn cũng bị “thất thủ”, đã phần nào cho thấy sự yếu kém trong việc thiết kế, tính toán chống ngập. Hầm Thủ Thiêm (rộng 33m, cao 9m, dài 1,4km – trong đó phần hầm dìm dài 390m được lắp đặt sâu dưới lòng sông -25m so mặt nước bên trên), do các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công của Nhật thực hiện và đưa vào khai thác từ 11.2011.

Trao đổi với PV, ông Trần Chí Trung – Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn – cho biết, trận mưa tối 26.9 khiến nước từ 2 đầu hầm tràn vào gây ngập trong hầm hơn 10cm, dài 50m. Dù có đến 5 bể chứa cắt nước mưa đặt ở 2 đầu hầm và trong hầm (tổng dung tích khoảng 500m3) và hệ thống máy bơm (13 máy bơm, có tổng công suất 9.000 lít/phút) đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn xảy ra ngập gần 1 giờ đồng hồ.

Đến sáng 27.9, một hầm để xe tại Q.1 vẫn còn ngập sâu. Ảnh: M.QUÂN 
Đến sáng 27.9, một hầm để xe tại Q.1 vẫn còn ngập sâu. Ảnh: M.Quân

Trước đây khi đưa hầm vào khai thác, PV Báo Lao Động từng đặt vấn đề về khả năng ngập hầm Thủ Thiêm do mưa, triều cường dâng, song lúc bấy giờ Sở GTVT, chủ đầu tư, các đơn vị liên quan đều khẳng định: Sẽ không xảy ra ngập trong hầm, bởi nhờ hệ thống các bể cắt nước và máy bơm công suất lớn đã được tính toán, thiết kế khá kỹ. Trên thực tế, trận mưa chiều tối 26.9 đã chứng minh điều ngược lại.

Trả lời về vấn đề này, ông Trần Chí Trung lý giải: “Khi tính toán, thiết kế lúc xây dựng hầm cách đây đã hơn 10 năm. Do vậy, có thể thời điểm lúc bấy giờ, các đơn vị tư vấn, thiết kế không dự báo, lường trước được hết tình tình diễn biến mưa lũ phức tạp như gần đây nên thiết kế chưa phù hợp với thực tế bây giờ. Không riêng hầm Thủ Thiêm, mà nhìn chung công tác dự báo diễn biến thời tiết, khí hậu để làm cơ sở thiết kế các công trình trong tương lai khó đúng với thực tế. Vì vậy, sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị để tính toán kỹ lại các giải pháp theo hướng điều chỉnh tăng dung tích các bể chứa và tăng công suất của hệ thống máy bơm, để chống nước tràn vào gây ngập trong hầm”.

Cần quy hoạch, xây dựng các hầm sự cố

Theo TS Phạm Sanh (giảng viên ĐH GTVT), qua trận mưa chiều tối 26 và 27.9 khiến TPHCM ngập nặng cho thấy sự sai lầm trong việc xây dựng hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố khi áp dụng các tiêu chuẩn, quy hoạch đã quá lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến mưa lũ phức tạp như thời gian gần đây.

Một vấn đề khác tồn tại lâu nay của thành phố đó là tình trạng đầu tư chống ngập theo kiểu cục bộ, thiếu sự liên kết và kết nối đồng bộ giữa các khu vực với nhau. Nhiều chủ đầu tư khi đầu tư xây dựng hạ tầng thoát nước thì thường chỉ biết làm sao thoát nước cho con đường mình làm, chứ chưa tính toán đến kết nối đồng bộ, giải quyết ngập cho toàn khu vực xung quanh. Bởi vậy, nhiều năm qua, thành phố đã đầu tư tốn rất nhiều tiền cho các dự án chống ngập, nhưng thực tế thì cứ mưa vẫn xảy ra ngập. “Theo tôi, ngoài tính toán thiết kế hệ thống thoát nước cho từng tuyến đường, thành phố cần phải quy hoạch, xây dựng các hầm sự cố, hồ điều tiết dưới lòng đất tại từng khu vực, vùng để ứng phó cho việc tiêu thoát nước về các hầm sự cố, hồ điều tiết khi xảy ra những cơn mưa vượt tần suất như chiều tối 26.9” – TS Phạm Sanh đề xuất.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Tình trạng ngập nặng có nguyên nhân do quản lý yếu kém

Ngày 27.9, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết: Trước trận mưa tối 26.9, tôi và các đồng chí phó chủ tịch đã đi kiểm tra thì thấy rằng, tình trạng ngập có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguyên nhân do quản lý yếu kém dẫn đến người dân lấn chiếm các công trình thoát nước. Với trách nhiệm là Chủ tịch UBND TP, tôi chia sẻ với người dân đã phải gánh chịu tình trạng ngập nước, tắc đường như vừa qua. TP đang tìm giải pháp trước mắt, cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập đang triển khai. Hiện vấn đề chống ngập của TP còn thiếu sự đồng bộ trong những giải pháp, điển hình như dự án nâng cấp đường Kinh Dương Vương vừa qua gây bức xúc dư luận, vì vậy còn rất nhiều việc phải bàn, phải rút kinh nghiệm.

Đăng Hải