Mỹ: Chậm liệt kê vào danh sách bảo vệ đẩy nhiều loài vào nguy cơ tuyệt chủng

ThienNhien.Net – Sự chậm trễ của quá trình liệt kê các loài nguy cấp vào danh sách các loài được bảo vệ theo Đạo Luật về Các loài nguy cấp của Hoa Kỳ đã và đang đẩy nhiều loài vào nguy cơ tuyệt chủng. Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Mỹ đăng trên Tạp chí Biological Conservation số ra tháng 9/2016 kết luận.

Đạo Luật về Các loài nguy cấp (ESA) là một trong những đạo luật môi trường quan trọng của Hoa Kỳ, áp dụng để bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, một loài muốn được bảo vệ theo Đạo luật này, đầu tiên loài đó phải nằm trong danh sách các loài bị đe dọa của Cục Bảo vệ Động vật hoang dã và Thủy sản Hoa Kỳ (FWS).

Theo điều khoản sửa đổi được thông qua tại Quốc hội Mỹ vào năm 1982 thì quá trình liệt kê vào danh sách này sẽ kéo dài khoảng 2 năm. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy nhiều loài phải chời đợi gấp nhiều lần 2 năm mới được nằm trong danh sách các loài được bảo vệ và có những loài không có khả năng đợi lâu như vậy nên đã biến mất hoàn toàn.

Nhóm nghiên cứu phân tích 1.338 loài trong danh sách bảo vệ của ESA từ năm 1973 tới năm 2014, trong đó tập trung vào khoảng thời gian để từng loài có thể lọt vào danh sách này và thấy rằng thời gian để đánh giá một loài trung bình là 12 năm. Đối với một số loài, thời gian xử lý còn chậm hơn, thậm chí có loài lên tới 38 năm.

Theo Tiến sĩ Emily Puckett (Đại học Missouri), tác giả chính nghiên cứu thì thời gian đánh giá các loài quá lâu và chậm chạp. “Một số loài cây đã phải chờ đợi gần như toàn bộ lịch sử của ESA trước khi được liệt kê vào danh sách. Chúng tôi mới chỉ phân tích số liệu về các loài đã nằm trong danh sách được bảo vệ, không phải là các loài đang được xem xét, có thể có nhiều loài khác vẫn đang được xem xét và những loài này đang phải đối mặt với nguy hiểm mà không có sự bảo hộ nào”. – Bà Puckett nói.

Ảnh: National Park Service, US Department of Interior. Public Domain.
Ảnh: National Park Service, US Department of Interior. Public Domain.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng quá trình liệt kê vào danh sách bảo vệ có vẻ thiên vị một số nhóm: quá trình xét duyệt động vật có xương sống (bao gồm cả các loài bò sát, cá, chim, động vật lưỡng cư và động vật có vú) thường được xử lý nhanh hơn nhiều so với động vật không xương sống và thực vật có hoa. Các nhà nghiên cứu viện dẫn ví dụ như thằn lằn Xantusia riversiana (loài đặc hữu của quần đảo Channel ngoài khơi Canifornia) chỉ mất 1,19 để được lọt vào danh sách được bảo vệ trong loài lan Platanthera praeclara (loài bản địa của Bắc Mỹ) mất tới 14,7 năm.

Những thành kiến như vậy có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác bảo tồn. Theo một nghiên cứu trước đó, trong khoảng thời gian từ năm 1973 tới 1995 đã có 42 loài tuyệt chủng do sự chậm trễ trong quá trình bổ sung vào danh sách.

Bà Puckett giải thích: Liệt kê vào danh sách là bước đầu tiên của công tác bảo tồn theo ESA. Quá trình này diễn ra sớm chút nào thì các loài được tiếp cận với các bảo vệ sớm lúc đó. Quan trọng hơn là, các loài đủ điều kiện nằm trong danh sách sẽ được bảo vệ môi trường sống, có một kế hoạch phục hồi bằng văn bản và quỹ cho phục hồi loài sẽ được phân bổ. Ba bước sau cũng có sự chậm trễ và định kiến cần giải quyết, tuy nhiên, để được tiếp cận với những ưu đãi này các loài phải được nằm trong danh sách bảo vệ. Nếu việc liệt kê vào danh sách bị trì hoãn lâu hơn với các loài không xương sống và thực vật, những loài này sẽ không được tiếp cận với các biện pháp bảo vệ. Một khi những loài cơ sở của chuỗi thức ăn tuyệt chủng thì nhiều loài khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Cuối tháng 8 vừa qua, Trung tâm Đa dạng sinh học (CBD) Hoa Kỳ đã lên kế hoạch kiện FWS do làm chậm quá trình phê duyệt vào danh sách của hơn 417 loài động thực vật theo ESA. Hầu hết các loài nằm trong kiến nghị được đưa ra xem xét trong khoảng thời gian từ năm 2008 tới 2010.