Quảng Ninh: dàn trận chống bão

ThienNhien.Net – Cơn bão số 1 đã và đang đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh, mưa to gió giật rất nguy hiểm. Để đối phó với cơn bão này, trước đó mỗi trụ sở từ tỉnh đến phường, xã là một trung tâm chỉ huy chống bão. Quảng Ninh xác định, chống thiên tai như chống định họa nên đã huy động toàn dân, toàn diện thực hiện phương châm 4 tại chỗ đối phó với nạn tặc mưa gió. Các huyện thị, thành phố nhất loạt hưởng ứng.

Ngư dân Hạ Long về Cái Sà Cong tránh bão
Ngư dân Hạ Long về Cái Sà Cong tránh bão

Huyện hải đảo Vân Đồn thường trực 24/24 giờ; kêu gọi toàn bộ tàu thuyền về nơi tránh bão; kiểm tra hệ thống hồ đập, các công trình thuỷ lợi, đê kè. Huyện Vân Đồn tổng số phương tiện tàu cá là 1.506, trong đó có 61 tàu cá xa bờ 100% đã về bến neo đậu. 435 nhà bè đã được gia cố, di chuyển người già và trẻ em lên bờ. Số khách du lịch lưu trú trên 5 xã đảo, gồm 256 người, trong đó có 16 khách nước ngoài trên 2 xã đảo Minh Châu và Quan Lạn, được đảm bảo an toàn tại các nhà nghỉ, khách sạn.

Mặt biển điềm trời sắp dông tố
Mặt biển điềm trời sắp dông tố
Nhiều địa phương dùng loa phóng thanh công suất lớn gọi tàu thuyền tránh bão
Nhiều địa phương dùng loa phóng thanh công suất lớn gọi tàu thuyền tránh bão
Tổ 30 khu 3 Hà Trung
Tổ 30 khu 3 Hà Trung

UBND huyện Bình Liêu đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại các xã trên địa bàn huyện, trọng tâm là các khu vực có nguy cơ sạt lở cao như đường Lục Ngù – Sú Cáu (xã Húc Động), xã Vô Ngại; đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và thủ trưởng các ngành dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cảnh báo thông tin kịp thời đến các thôn, bản, khu phố và mọi người dân biết để chủ động, phòng tránh bảo đảm an toàn về người và tài sản, nhất là các khu vực thấp, nơi có nguy cơ cao về sạt lở đất đá, lũ quét. Các xã có hộ gia đình nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét, lãnh đạo xã bán sát khe bản tuyên truyền vận động các hộ chủ động sơ tán người và di dời tài sản đến nơi an toàn.

Hạ Long mưa to, gió cấp 6, giật cấp 7, 8, UBND TP đã chỉ đạo các phường, cơ quan, đơn vị tổ chức trực 24/24h theo dõi chặt chẽ diến biến của bão; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Các lực lượng chức năng đã kêu gọi toàn bộ tàu thuyền về nơi tránh trú bão. 105 điểm nguy cơ sặt lở, lũ quyét đã di dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa đã dừng cấp phép cho tàu du lịch đưa khách tham vịnh Hạ Long, hoạt động tại Cảng tàu khách Tuần Châu, 473 tàu du lịch đã di chuyển đến nơi tránh trú bão an toàn.

TP Cẩm Phả, trên 200 tàu đánh cá xa bờ; gần 400 bè, nhà bè, tàu xi măng hoạt động trên vùng vịnh Bái Tử Long, đã về neo đậu tại vị trí an toàn. Trong mưa bão, lực lượng quân đội và thanh niên tình nguyện giúp dân nạo vét, khơi thông cống rãnh bị tắc do rác thải; đồng thời giúp dân di cư thoát hiểm. UBND thành phố phố hợp với các đơn vị thuộc Tập đoàn CN Than, Khoáng sản Việt Nam; Tổng Công ty Đông Bắc chủ động tránh thảm họa sạt lở bãi thải, tạo lũ quyét xuống khu dân cư .

Huyện Tiên Yên thống kê, kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển, với tinh thần không để sót một phương tiện nào nằm ngoài phương án chống bão. 100 % phương tiện tàu thuyền hoạt động trên sông biển neo đậu an toàn.

UBND TX Đông Triều, triển khai các biện pháp cấp bách chống chọi với cơn bão số 1, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thị xã bán sát địa bàn 21 xã, phường như bán sát trận địa nóng bỏng tiếng súng thời chiến tranh. Với phương châm 4 tại chỗ, các phường xã chủ động tiêu thoát nước cho những vùng đồng trũng; cử lực lượng cảnh báo nguy hiểm tại các đường tràn qua suối, tức tốc di dân ở các điểm có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở; chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều xả tràn các hồ chứa nước theo phương án đã định. TX Đông Triều cũng yêu cầu Công ty Cổ phần BOT Phả Lại chỉ đạo các đơn vị thi công Dự án cải tạo, nâng cấp QL 18 đoạn qua địa bàn thị xã chủ động xử lý các điểm thoát nước, không để xảy ra ngập lụt cục bộ, đồng thời cắm biển báo và cử lực lượng khắc phục các điểm ngập úng xảy ra.

Huyện đảo Cô Tô hiện gió giật cấp 8 và trên cấp 8, biển động dữ dội. Đồn Biên phòng Cô Tô đã bắn pháo hiệu cấp báo, yêu cầu không một ngư dân, không một thủy thủ nào ở ngoài khơi lúc này. Lệnh chống thiên tai như mệnh lệnh thời chiến, 100% tàu, thuyền, bè, mảng đánh bắt cá, vận tải trên vùng biển đã cập bến neo đậu, chằng chống an toàn. 647 khách du lịch mắc kẹt tại đảo, được chính quyền địa phường thăm hỏi và yêu cầu chủ nhà nghỉ, khách sạn chăm sóc, hậu mãi, tránh các biểu hiện phiền hà, ép giá.

 Bầu trời thành phố Hạ Long hiếm thấy hiện tượng vòi rồng
Bầu trời thành phố Hạ Long hiếm thấy hiện tượng vòi rồng
Đường sá chìm trong nước mưa
Đường sá chìm trong nước mưa
Gió giật, biển động
Gió giật, biển động
 Hạ Long, Cẩm Phả nhiều đoạn đường trở thành sông nước siết nguy hiểm
Hạ Long, Cẩm Phả nhiều đoạn đường trở thành sông nước siết nguy hiểm
 Khơi thông dòng chảy trong mưa lũ
Khơi thông dòng chảy trong mưa lũ

TP Móng Cái đã thị sát các khu công nghiệp, nhà máy, xưởng sản xuất, chợ, trung tâm thương mại yêu cầu ứng phó với bão. Trước đó, phường Ka Long đã nạo vét 400 mét cống từ trụ sở UBND phường tới phố Hà Tiên, đảm bảo tiêu thoát nước. Công ty CP Xây dựng Ngọc Hà đã nạo vét toàn bộ cống chính dọc trục Hùng Vương và địa bàn khu đô thị với chiều dài khoảng gần 2.000 m. Móng Cái đã vận động 616 hộ dân tại các vị trí xung yếu như khu vực đê Hải Hòa, đê Voòng Sủi – Hải Xuân, đê Mắn Thí – Bình Ngọc, hồ Quất Đông di cư lánh nạn mưa báo. Thành phố có 1.319 phương tiện tàu, thuyền khai thác thủy sản và đò chở hàng trên sông biên giới, đã kêu gọi 100% phương tiện về tránh trú bão; đôn đốc 91 hộ nuôi trồng thủy nuôi trồng thủy sản trên lồng bè với 120 người di chuyển vào nơi an toàn.

Huyện Đầm Hà, có 336 phương tiện tàu thuyền với 839 lao động; 852 ô lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển của 42 hộ dân; 71 hộ có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét với 275 nhân khẩu. UBND huyện đã gọi 336/336 chiếc về nơi trú bão an toàn; các hộ nuôi lồng bè trên biển đã gia cố lồng bè, di chuyển về nơi tránh bão.

Huyện Hải Hà đã kêu gọi toàn bộ 912 tàu thuyền được về nơi tránh trú bão. Công ty TNHH MTV Thủy lợi Miền Đông đã xả tràn, hạ mức nước lòng hồ Trúc Bài Sơn, đảm bảo ở mực nước an toàn. Đối với những khu vực có nguy cơ ngập lụt, như KCN Texhong Hải Hà, huyện đã bố trí vật tư, phương tiện và lực lượng sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu sẩy ra. Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà cho biết: Huyện đã bố trí dự trữ trên 5.000 chiếc bao tải, hàng trăm mét bạt, cuốc xẻng, sẵn sàng ứng cứu nếu ngập lụt xảy ra tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà.

Thị xã Quảng Yên có trên dưới 4.000 phương tiện tầu thuyền có công suất từ 20 CV trở lên, đang hoạt động trên các sông ngòi, cửa biển trên địa bàn. TX Quảng Yên đã nắm chắc tình hình, kiểm đếm số phương tiện, số người của địa phương gọi đưa tàu thuyền vào bờ neo đậu. Quảng Yên đã có phương án di dân tại các vùng có vị trí xung yếu như khu vực đảo Hà Nam, dân cư ở sâu dưới mực triều cường, mưa to nước cả càng nguy hiểm.

Huyện miền núi Ba Chẽ đã thành lập 5 tổ công tác đặc biệt, thường trú chỉ đạo các khe bản dễ úng lụt và núi sạt, đôn đốc nhân nhân tản cư đến nơi ở an toàn trong mưa bão. Các đơn vị lực lượng vũ trang đảm bảo lực lượng, phương tiện phục cụ công tác ứng cứu khi có tình huống xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ; nhất là công tác đảm bảo lương thực, thực phẩm phục vụ kịp thời cho nhân dân; phải bố trí lực lượng canh gác thường xuyên, cắm biển báo và cấm không cho người và phương tiện qua lại trên các ngầm tràn khi có mưa, lũ xuất hiện.

Đại tá Phạm Hồng Sơn, Trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: lực lượng CSGT trực tiếp ứng trực tại các điểm, nút giao thông thường xảy ra ùn tắc như: Loong Toòng, Đài hóa thân An Lạc Viên, Km 6 Quang Hanh (Cẩm Phả)…, đồng thời phối hợp với Đội CSGT các địa phương để đảm bảo ATGT ở những khu vực trọng yếu.